Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dự thảo quy chế quản lý lưu học sinh: “Quản” đến đâu, “quản” thế nào ?

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày gần đây, trong cộng đồng lưu học sinh nói riêng và ngành giáo dục nói chung xôn xao ý kiến xung quanh dự thảo quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài do Bộ GD-ĐT chủ trì soạn thảo.

Sự xuất hiện của quy chế này đã ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ và Bộ GD-ĐT trong việc quản lý đội ngũ lưu học sinh (LHS) với số lượng đang ngày một tăng. Tuy nhiên vấn đề quản lý như thế nào, quản lý đến đâu, đang là điều mà ban soạn thảo quy chế cần những ý kiến đóng góp của những người quan tâm.
 
Du học sinh Việt Nam tại Trường Bellerbys (Anh) trao đổi bài trong giờ giải lao.
Ảnh: Tuổi Trẻ
LHS băn khoăn…
Một trong những nội dung được dư luận lưu ý nhiều nhất là việc quy chế nói trên đã "gom" tất cả các đối tượng LHS vào cùng một cơ chế quản lý, không phân biệt nguồn kinh phí đào tạo. Theo đó, LHS được ở lại nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp trong thời gian không quá 3 năm và phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của nhà nước; theo định kỳ 6 tháng LHS có nghĩa vụ báo cáo tình hình học tập, nghiên cứu của mình cho cơ quan quản lý trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng việc LHS du học theo diện tự túc phải chịu các quy định này là không hợp lý và thiếu tính thực tế. Dự thảo cũng không nêu rõ sau khi tốt nghiệp, LHS được ở lại tối đa là 3 năm hay chỉ người đi làm việc mới được ở lại. Quy định phải nộp thuế khiến nảy sinh lo ngại về việc LHS bị đánh thuế 2 lần. Việc phải nộp báo cáo về tình hình học tập cũng được coi là thiếu hợp lý vì nhiều người cho rằng đó là thông tin cá nhân, bên cạnh đó, nhiều LHS không nhận bằng do Bộ GD-ĐT cấp nên không thể buộc họ phải báo cáo. Có ý kiến đặt vấn đề, liệu quy chế này có phải là một cách chống lại "chảy máu chất xám" bằng biện pháp hành chính hay không?…
Không phải thuế thu nhập cá nhân
Đề cập tới những nội dung này, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Bá Việt Dũng cho biết: Ban soạn thảo đã ghi nhận các ý kiến này và sẽ tiếp tục tập hợp các đóng góp để hoàn thiện quy chế. Một thành viên Ban soạn thảo của Bộ GD-ĐT cũng thông tin, ban soạn thảo sẽ làm việc thêm với Bộ Tài chính về các quy định liên quan tới thuế, đồng thời khẳng định đó không phải là thuế thu nhập cá nhân mà là "thuế để bù đắp chi phí đào tạo" và chỉ áp dụng cho đối tượng đi học bằng ngân sách nhà nước. Cục trưởng cục Đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang thì cho rằng, việc nộp thuế sẽ theo thông lệ quốc tế, còn đó là thuế gì, nộp như thế nào thì quy chế cần có quy định rõ hơn.
 Ông Trần Bá Việt Dũng cũng lưu ý: Việc báo cáo tình hình học tập không có nghĩa LHS phải nộp bảng điểm hay kết quả nghiên cứu về bộ, điều Ban soạn thảo mong muốn là đặt vấn đề thu thập thông tin về việc LHS học ở đâu, thời gian bao lâu, ngành học và trình độ đào tạo… để phục vụ công tác dự báo đào tạo và có thông tin cho các nhà thống kê, hoạch định chính sách, hướng SV vào những ngành cần nhân lực…. Tuy nhiên, Ban soạn thảo thừa nhận dự thảo đã thiếu nội dung về chế tài xử lý việc không thực hiện báo cáo của LHS trong trường hợp điều đó trở thành quy định.
Cho biết việc xây dựng dự thảo đã được thực hiện trên cơ sở có ý kiến của nhiều bộ, ngành khác nhau, từ các quan điểm khác nhau, Vụ trưởng Dũng khẳng định: "Nhưng từ quan điểm nào cũng xuất phát từ việc quan tâm tới người học. Ban soạn thảo rất hoan nghênh sự hợp tác của các LHS để cùng xây dựng và hoàn thiện quy chế". Ông Dũng cũng đưa ra khả năng sẽ có các quy định riêng phù hợp cho từng đối tượng LHS.
"Quản lý chứ không trói buộc"
Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang khi nói về tinh thần chung của quy chế quản lý công dân Việt Nam đào tạo ở nước ngoài. Ông Vang cho biết: Việc quản lý LHS đi học bằng ngân sách nhà nước hiện đang được làm rất tốt. Việc báo cáo tình hình học tập được thực hiện thường xuyên, mà thực ra LHS phải có báo cáo thì mới được nhận sinh hoạt phí. Còn với diện LHS tự túc, việc quản lý đang là vấn đề nan giản. "Tuy nhiên, chữ quản lý ở đây không có nghĩa là trói buộc, quan điểm của Ban soạn thảo là tạo điều kiện để LHS được quan tâm, chăm sóc hơn và có thêm số liệu cho các nhà hoạch định chính sách", ông Vang nhấn mạnh.
Về việc đi làm của LHS cũng như các ý kiến liên quan đến việc thu hút đội ngũ trí thức về nước làm việc, ông Vang bày tỏ quan điểm: Việt Nam đã gia nhập WTO, việc đi làm chỗ này hay chỗ kia là rất cơ động, vì vậy chúng ta phải suy nghĩ xem có đủ điều kiện hấp dẫn thu hút mọi nguồn trí thức về làm việc và cống hiến hay không. Đó là trăn trở của các nhà hoạch định chính sách cũng như của ban soạn thảo quy chế…
Quỳnh Phạm/Hà Nội mới

Bình luận (0)