Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại Hội đồng thi Nguyễn Hữu Huân |
Sáng 27-4, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo xây dựng quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2010 với sự tham dự của đại diện 12 sở GD-ĐT thuộc các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và TP.HCM. Điểm mới của kỳ thi năm 2010 là căn cứ kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ.
Chỉ cần 18 điểm
Theo dự thảo quy chế kỳ thi quốc gia năm 2010, thí sinh chỉ cần đạt 18 điểm của cả 6 môn thi có thể được công nhận tốt nghiệp. Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, 6 môn thi của kỳ thi nằm trong 8 môn gồm: ngữ văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa và ngoại ngữ. Những thí sinh không học ngoại ngữ chương trình 7 năm sẽ có môn thay thế.Những năm đầu, các môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ bắt buộc. Bộ sẽ quy định 1 môn và thí sinh được chọn 2 môn. Vài năm sau, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh được chọn các môn còn lại.Và sau này một số môn như tin học hay giáo dục công dân cũng có thể làm môn tự chọn. Mục đích nới rộng môn tự chọn nhằm mở rộng cửa xét tuyển vào các trường ĐH-CĐsẽ được tổ chức vào tuần thứ hai tháng 6 hàng năm dự kiến bắt đầu từ năm 2010.Điểm mới của dự thảo này, thí sinh đủ điều kiện dự thi có thể chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay có thể ngoài việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia còn đăng ký xét tuyển vào một vài trường ĐH-CĐ nào đó. Những người đã tốt nghiệp THPT các năm trước đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào trường ĐH-CĐ. Về điểm này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, NGƯT Nguyễn Văn Ngai bày tỏ: “Theo tôi, nên có chế độ bảo lưu điểm thi với thời gian một, hai hoặc ba năm cho các thí sinh”. Đại diện một sở GD-ĐT ở miền Đông Nam bộ băn khoăn: “Với hình thức thi như vậy, tôi e rằng chỉ vài năm không biết có đủ phòng để phục vụ cho kỳ thi. Theo dự thảo, kết quả điểm thi của năm nào tính cho năm đó, trong khi tỉ lệ thí sinh không trúng tuyển vào ĐH năm nào cũng rất cao”.
Thay đổi nhỏ
Hình thức thi vẫn ổn định với bốn môn thi là ngoại ngữ, lý, hóa và sinh bằng hình thức trắc nghiệm khách quan, các môn còn lại thi theo hình thức tự luận. Vì là kỳ thi lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH-CĐ nên ít nhiều đề thi có một số thay đổi về cấu trúc. Đề vẫn bám theo chuẩn kiến thức chương trình THPT nhưng trong đề sẽ có 60% theo những kiến thức cơ bản đảm bảo cho những HS trung bình có thể đủ điểm tốt nghiệp. 40% còn lại kiểm tra kiến thức THPT có nâng cao để phân hóa thí sinh khi xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Đề thi đối với hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) cũng tương tự như vậy. Học viên GDTX được xét tuyển vào ĐH-CĐ như học sinh phổ thông. 60% điểm số bài thi ở mức cơ bản để xét tốt nghiệp, tương ứng tổng điểm tối đa phần đề này là 36 điểm. Theo dự thảo này, điểm được công nhận tốt nghiệp THPT ở kỳ thi này là 18 điểm cho cả sáu môn thi (với điều kiện không có môn bị điểm liệt). Thí sinh loại khá phải đạt tổng điểm sáu môn trên 32 điểm và phải trên 46 điểm đối với loại giỏi.
Thí sinh không đủ điểm tốt nghiệp sẽ được bảo lưu kết quả thi trong ba năm (đối với các môn từ 5 điểm trở lên). Còn đối với học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nhưng không tham dự kỳ thi quốc gia này sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Nhiều điểm chưa “thông”
Dự thảo có 51 đề mục chi tiết. Trong đó, 18 điểm là mức điểm chuẩn để có thể công nhận tốt nghiệp THPT được hầu hết những người tham dự đồng tình. Tuy nhiên việc tính điểm khuyến khích cộng thêm vẫn còn làm không ít người băn khoăn. Theo đó, thí sinh được cộng thêm từ 1 đến 2 điểm khuyến khích vào điểm tốt nghiệp là những thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi; có chứng chỉ A ngoại ngữ trong thời gian học phổ thông; có chứng chỉ nghề phổ thông (tùy xếp loại). Tổng điểm khuyến khích không vượt quá 4. Việc căn cứ điểm để xếp loại kỳ thi cũng gây tranh luận. Với mức tính theo tinh thần bản dự thảo này dẫn đến số thí sinh tốt nghiệp THPT xếp loại khá giỏi không nhiều gây thiệt thòi cho thí sinh. Bởi đề thi có độ phân hóa (6-4). Như vậy sẽ khó có điểm giỏi (8 điểm trở lên). Từ đó thấy rằng số thí sinh tốt nghiệp THPT rất cao, ngược lại số thí sinh tốt nghiệp THPT xếp loại khá giỏi sẽ rất ít.
Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp đề nghị: “Chỉ cần tăng cường lực lượng thanh tra của Bộ là đủ. Thanh tra của địa phương (sở GD-ĐT) có thể vì cả nể dẫn đến xử lý không nghiêm. Còn lực lượng thanh tra ủy quyền, mấy năm qua vẫn chưa làm hết mình”. Nhiều đại biểu đánh giá cao lực lượng thanh tra của Bộ, vậy có nên chỉ một lực lượng này là đủ?
Thi theo cụm trường cũng được đưa ra mổ xẻ, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận đề xuất: “Nếu tổ chức thi theo cụm trường hay liên trường gây tốn kém và khó khăn cho thí sinh trong việc đi lại, đề nghị cho tổ chức thi theo từng đơn vị như trước đây”. Đề xuất này không làm hài lòng nhiều người. Có đại biểu nói: “Nếu sợ tốn kém để tổ chức theo cách cũ là không công bằng. Ai sẽ bảo đảm không có sự du di hay xé rào?”. Việc tổ chức thi theo cụm nhằm mục đích để tạo sự công bằng giữa các thí sinh của các địa phương. Cách làm này một vài địa phương đã và đang làm từ nhiều năm qua, đặc biệt là ở TP.HCM. Không lẽ chỉ vì một lý do nào đó lại phá vỡ sự công bằng?
Trần Thanh Quang
Bình luận (0)