Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020: Làm khó các trường đại học !

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT đặt ra các điều kiện ngặt nghèo với các trường thi tuyển riêng như trong dự thảo quy chế tuyển sinh phiên bản mới nhất là 'làm khó nhau', thay vì mong các trường tổ chức những kỳ thi chất lượng.
Học sinh lớp 12 trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19   /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Học sinh lớp 12 trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Khó tổ chức thi riêng
Gần đây, Bộ GD-ĐT lấy ý kiến các trường để hoàn thiện dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020. So với phiên bản đầu tiên Bộ công bố ngày 20.1, phiên bản dự thảo mới đây có một điều chỉnh quan trọng là điều 12 quy định về bảo đảm chất lượng với các kỳ thi do các trường tổ chức riêng.
Nội dung này đưa ra nhiều quy định chi tiết, với các điều kiện ngặt nghèo, dành cho các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực, hoặc hình thức thi khác, hoặc kết hợp một số hình thức thi, mà theo nhiều trường, rất khó có cơ sở đào tạo đạt được.
Năm 2020, nhiều trường ĐH dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh như: ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… Trong số này nhiều trường đã thực hiện kỳ thi này năm trước đó cũng cho biết khó để thực hiện trong năm nay nếu dự thảo này thực thi. Trong các tiêu chí để thực hiện kỳ thi riêng, yếu tố nhân lực để thực hiện kỳ thi khiến các trường băn khoăn nhất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, quy chế đưa ra quy định để “siết” chất lượng các kỳ thi riêng là không sai, nhưng để thực hiện thì khó cho nhiều trường. Đặc biệt khó hơn với các trường ĐH không mạnh về đào tạo khối ngành khoa học cơ bản.
Trong khi đó, cũng tổ chức kỳ thi riêng, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng kỳ thi tuyển sinh riêng của trường này sử dụng đề thi TestAS do Viện Khảo thí TestDAF CHLB Đức cung cấp. Đây là đề thi dùng cho việc kiểm tra năng lực của sinh viên nước ngoài muốn dự tuyển vào học các ĐH của Đức.
“Bài thi tuân thủ nghiêm ngặt quy định về kiểm định chất lượng đầu vào của sinh viên tại các ĐH Đức. Vì vậy, kỳ thi hoàn toàn thỏa mãn các yêu cầu về đảm bảo chất lượng của Bộ như dự thảo đưa ra”, ông Viên cho hay.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020: Làm khó các trường đại học !
Học sinh lớp 12 trở lại trường học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 8. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Vi phạm quyền tự chủ của các trường ?
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập nghiên cứu về giáo dục, căn cứ vào điều 12 dự thảo Quy chế tuyển sinh nêu trên, các yêu cầu mà Bộ đặt ra với các trường tổ chức thi tuyển sinh riêng rất giống với các tiêu chuẩn của trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia/độc lập… nên có thể vi phạm quyền tự chủ của các trường, và đi ngược với chủ trương, đường lối tăng cường tự chủ ĐH của luật Giáo dục ĐH mới.
“Điều 12 của dự thảo này là một quy định có ý làm khó các trường. Đặc biệt là trong khoảng thời gian rất ngắn, hầu như các trường sẽ không thể đáp ứng quy định. Vô hình trung, nội dung điều 12 của dự thảo là biện pháp vô hiệu hóa phương án thi riêng của các trường và nguy hiểm hơn, nó đi ngược với chủ trương của luật Giáo dục ĐH mới. Dư luận có quyền hồ nghi, phải chăng Bộ có ý loại các trường ra khỏi “cuộc chơi” bằng hàng rào tiêu chuẩn? Sự nghi ngờ này càng khó giải tỏa khi mà mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo hủy kỳ thi riêng mà họ công bố ngày 30.4”, tiến sĩ Quyên nhận định.
Tiến sĩ Quyên cho rằng nếu để quản lý chất lượng, và đặc biệt đối với việc thi tuyển sinh thì tại sao Bộ không ban hành yêu cầu đối với các trường từ những năm trước? ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM đã triển khai đánh giá năng lực để tuyển sinh, kết quả nhiều trường sử dụng… từ vài năm nay. Tại sao năm nay khi chỉ còn vài tháng đến kỳ thi thì lại đặt ra tiêu chuẩn? Nếu Bộ thực sự muốn kiểm soát được vấn đề đảm bảo chất lượng thi tuyển sinh của các trường thay vì “làm khó nhau” thì nên cắt giảm các yêu cầu về chuẩn hóa, vì yêu cầu về chuẩn hóa là yêu cầu đối với các bài thi diện rộng, kết quả đánh giá có giá trị phổ quát (ví dụ các bài thi IELTS, TOEFL hoặc các bài thi quốc gia).
 

Tuyển sinh được đối tượng phù hợp hay không là trách nhiệm của các trường, và họ phải gánh chịu hậu quả nếu có. Chính vì vậy, tuyển sinh mới đặt nằm trong phạm vi được tự chủ cao theo luật Giáo dục ĐH. “Chính bài thi tốt nghiệp THPT mới là bài thi cần phải chuẩn hóa? Không biết Bộ có chuẩn hóa các đề thi của kỳ thi này như yêu cầu của điều 12?”, tiến sĩ Quyên đặt vấn đề.
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng, theo luật hiện hành nhà nước đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH. Theo đó, mỗi trường có thể thực hiện tuyển sinh theo những cách khác nhau và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra.
“Nhà nước có vai trò đảm bảo công bằng và chất lượng trong giáo dục. Muốn vậy, nhà nước có thể đặt ra các quy định thực hiện thanh tra ngay trong quá trình thi cử hoặc sau đó, không nhất thiết phải đưa ra các quy định quá chi tiết yêu cầu các trường thực hiện theo”, bà Phương Anh nhận định.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết có quy định chung về việc tổ chức thi để đảm bảo chất lượng là cần thiết, nhưng đó chỉ nên là những quy định khung với những nét cơ bản và đầy đủ các bước trong quy trình, không nên quá cụ thể về mặt thực hiện bởi các trường đã có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Bộ có quyền và cần kiểm tra công tác tổ chức thi tại các trường.
Theo lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM, việc đưa vào quy chế những quy định ngặt nghèo này thực chất là cách siết việc tổ chức kỳ thi riêng của các trường khi mà kỳ thi riêng đã được các trường tự tổ chức trước đó. “­­Phải chăng đây là cách “làm khó” các trường, mục đích là không nhiều trường tổ chức thi riêng và phải sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển?”, lãnh đạo này băn khoăn.
Có phạm luật ?
Một thành viên tổ tư vấn cho Bộ GD-ĐT trong việc soạn thảo dự thảo Quy chế tuyển sinh, cho biết nội dung điều 12 của dự thảo này không được tổ tư vấn tán thành, vì không khả thi. Ví dụ, yêu cầu về văn bằng của cán bộ phụ trách công tác thi của các trường, thử hỏi có mấy trường đạt được yêu cầu này? Việc đặt ra các quy định với trường tổ chức thi riêng vào dự thảo như vừa rồi là một động thái thiếu công bằng, có tính chất “chơi xấu” với những trường đã công bố phương án thi. Yêu cầu như thế khác nào nói là cấm tổ chức thi riêng, mà cấm thi thì lại phạm luật.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, chia sẻ khi đọc điều 12 dự thảo Quy chế tuyển sinh, ông thực sự không hiểu Bộ muốn gì ở các trường! Bộ vẫn đặt yêu cầu tự chủ với các trường ĐH, thể hiện sự khích lệ các trường có phương án tuyển sinh riêng phù hợp với ngành nghề đào tạo của từng trường. Nhưng mặt khác Bộ lại liên tục tung ra những thông tin không chính thức có tính chất làm nhụt ý chí tự chủ tuyển sinh của các trường.
Tiến sĩ Tùng đặt vấn đề: “Nếu giờ các trường muốn “lách luật”, không gọi là thi tuyển, mà gọi là sơ tuyển, có được không? Hằng năm, các trường khối công an, quân đội vẫn được sơ tuyển mà không bị ràng buộc bởi một quy định nào”.
Theo Quý Hiên – Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)