Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dự thảo thi THPT quốc gia 2017: Đã bao quát được hết các vấn đề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý giáo dục, dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2017 lần 2 có nhiều điểm lợi cho thí sinh. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Thái Quốc Khánh (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu, Quảng Trị) xung quanh vấn đề này. 

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM đặt câu hỏi cho Ban tư vấn chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.B

PV: Ông có thể cho ý kiến một cách tổng quát nhất về dự thảo lần này? 

– Ông Thái Quốc Khánh: Dự thảo lần 2 đã bao quát được hầu hết các vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. 

Ông đánh giá như thế nào về dự thảo lần này khi thí sinh có thể làm 5 bài thi và chọn một trong 2 bài thi tổ hợp để lấy điểm xét tốt nghiệp cũng như cách tổ chức điểm thi?

– Học sinh có thể chọn một trong 2 tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (địa lý, lịch sử, giáo dục công dân) để lấy điểm xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH là bình thường vì các em tự chọn nên sẽ không có áp lực. Về lâu dài, điều này sẽ có lợi cho học sinh có học lực đồng đều, không học lệch có thêm cơ hội để vào ĐH. Đơn cử như Trường THPT Lê Thế Hiếu cũng đã có nhiều em đăng ký thi cả 2 tổ hợp. Tuy nhiên, nếu chọn làm cả 5 bài thi, về mặt lý thuyết thì cơ hội tham gia xét tuyển ĐH sẽ nhiều nhưng thực tế, chọn nhiều môn thi thì sẽ phân tán thời gian ôn thi, hiệu quả ôn tập không cao. Chính vì vậy, nhà trường sẽ phải lưu ý giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn trong việc tư vấn chọn bài thi cho học sinh dựa trên năng lực học tập để các em đủ thời gian phân bố ôn tập cho các môn. 

Về cách tổ chức điểm thi, thực ra việc thi tại cụm thi ở mỗi địa phương thuận lợi cho thí sinh cũng như phụ huynh trong di chuyển, đi lại. Sở GD-ĐT tổ chức thi hay các trường ĐH tổ chức thi không quan trọng bằng ý thức của người coi thi. Thực tế cho thấy, coi thi tốt nghiệp THPT thí sinh GDTX hay thí sinh tự do bao giờ cũng “nhẹ nhàng” hơn. Năm trước tôi đã đề xuất đề thi nên tách bạch 2 phần rõ ràng: Phần dành cho thi tốt nghiệp và phần dành cho thi ĐH để đảm bảo công bằng và chính xác hơn.

Cách chấm thi có sự khác biệt về quy định làm tròn điểm giữa trắc nghiệm và tự luận, quan điểm của ông về điều này như thế nào? 

– Việc quy định điểm bài thi trắc nghiệm làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài còn điểm bài thi tự luận lấy đến điểm 0,25 và không làm tròn điểm, theo tôi là hợp lý vì điểm thi môn tự luận đã được giám khảo làm… tròn trong quá trình chấm từng câu. Mặt khác, điều đó rất đảm bảo độ chính xác điểm bài thi, tạo sự công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên đòi hỏi giám khảo khi chấm thi sẽ phải rất kỹ càng, phải định lượng một cách chính xác nhất có thể cho bài thi.

Được biết, năm nay nội dung thi sẽ nằm trong chương trình lớp 12, như vậy có đảm bảo đánh giá đúng năng lực thí sinh, thưa ông? 

– Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình như vậy là để phù hợp với quy chế thi. Để đánh giá đúng năng lực học sinh thì thi THPT như hiện nay còn nhiều hạn chế, khó đánh giá đúng năng lực các em là tất nhiên nên cần có lộ trình cụ thể. Về lâu dài, học sinh phải học và thi trong chương trình THPT chứ không chỉ riêng lớp 12 nhằm bao quát được kiến thức đã học. Hiện các trường THPT bắt đầu chuẩn bị tâm thế cho cả giáo viên giảng dạy khối 10 và khối 11 về chủ trương triển khai hình thức thi trắc nghiệm để điều chỉnh phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp; tập cho học sinh thích nghi và nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học cũng nhằm đáp ứng lộ trình đó.

Vĩnh Yên (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)