Năm 2017 dự thảo quy định cho thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi nhưng sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định. Trong ảnh: Thí sinh TP.HCM tham dự kỳ thi vào đại học năm 2016. Ảnh: Dương Bình
|
Hôm nay (16-12), Bộ GD-ĐT chính thức công bố dự thảo tuyển sinh 2017.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, năm 2017 dự thảo quy chế cho phép thí sinh (TS) được đăng ký nguyện vọng (NV) theo mong muốn, không giới hạn số NV cũng như số trường. Vì thế cơ hội TS trúng tuyển vào ngành yêu thích sẽ cao hơn. Ví dụ, TS có thể đăng ký ngành A nào đó vào nhiều trường có ngành này nhưng có mức điểm trúng tuyển khác nhau để khi không trúng tuyển trường điểm cao thì có thể trúng tuyển trường có điểm thấp hơn.
Việc cho phép TS đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT là một tiến bộ trong đổi mới tuyển sinh. Điều này giúp cho TS tránh bớt rủi ro. Năm 2017 dự thảo quy định cho TS thực hiện đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi nhưng sau khi có kết quả thi, TS được phép thay đổi NV trong thời gian quy định. Quy định như vậy một mặt giúp việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp gáp, mặt khác giúp cho TS có nhiều thời gian để suy nghĩ việc lựa chọn NV phù hợp. Việc điều chỉnh NV sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số TS đã được hệ thống cung cấp khi đăng ký dự thi. Như vậy, TS vẫn quyết định đăng ký NV xét tuyển của mình sau khi có kết quả thi. Nhờ phương thức điều chỉnh trực tuyến nên TS không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường.
TS đăng ký nhiều NV nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong đợt 1, đối với các trường, ngành TS được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của NV đăng ký. Đối với mỗi TS, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các NV. TS chỉ trúng tuyển vào 1 NV ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các NV đã đăng ký.
Ngưỡng chất lượng đầu vào lâu nay được xem là điều kiện cần đối với TS. Tuy nhiên để có thể nộp đơn xét tuyển vào một trường ĐH nào đó, TS phải đáp ứng những điều kiện khác do trường quy định. Việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Vì thế dự thảo quy chế năm nay chỉ quy định điều kiện cần chung nhất là TS tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường.
Thiên Lam
Bình luận (0)