Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Dù thế nào, chúng em vẫn học tốt!”

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay (15-7), UBND TP và Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Lễ tuyên dương 360 học sinh (HS) đạt thành tích cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia, cấp thành phố; kỳ thi trên máy tính cầm tay; kỳ thi giải toán trên internet… Đây đều là những gương HS tiêu biểu của TP.HCM trong năm học 2015-2016. Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu đến bạn đọc vài gương tiêu biểu nhất.

Đỗ Đình Cường (học lớp 9/1 Trường THCS Chu Văn An, Q.11): Con một mà… không hư

Ba mẹ sinh Cường khi đã lớn tuổi, lại là con một nhưng không vì thế mà em được cưng chiều. Ngược lại, em là đứa con ngoan, ham học, luôn nỗ lực để đạt được thành quả mình mong muốn. Mẹ em cho biết, ngay cả khi ốm, Cường cũng không nghỉ học buổi nào. Nếu phải sắp xếp thời gian nghỉ học để đi khám bệnh, Cường cũng tranh thủ buổi nào không học mới đi chứ không xin nghỉ giữa chừng.

Năm học này, Cường là thủ khoa cấp thành phố ở một môn thi hoàn toàn mới: môn kiến thức tổng hợp thực tiễn. Đây là môn thi sử dụng kiến thức tổng hợp ở nhiều bộ môn để vận dụng vào giải quyết các vấn đề trong đời sống thực tiễn nên nội dung thi hoàn toàn mới lạ đối với HS. Cường cho biết lợi thế của em là thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi để lên mạng đọc các tin tức về khoa học, đời sống; hay hỏi ba mẹ, thầy cô và trao đổi với bạn bè về các vấn đề mình thắc mắc nên dù mới được tổ chức lần đầu nhưng những câu hỏi trong đề thi không làm khó được em. Thêm vào đó, em vận dụng rất tốt những lời khuyên, lời dặn dò hàng ngày của thầy cô để trả lời các câu hỏi. Không chỉ là thủ khoa kỳ thi HS giỏi cấp thành phố, Cường còn là HS giỏi ở hầu hết các môn học. Với em, cứ nỗ lực hết mình cho mục tiêu, kết quả rồi sẽ đến như mình mong đợi.

Nguyễn Hồng Vy (học lớp 12CV Trường THPT Gia Định): Yêu sử qua những lời kể của ba, của nội

Nổi bật trong danh sách tuyên dương HS giỏi các môn là tên của Nguyễn Hồng Vy với thành tích giải nhì môn sử kỳ thi HS giỏi quốc gia. Đây cũng là thành tích cao nhất của TP.HCM ở môn sử.

Không phải chờ đến năm lớp 12 Vy mới đạt được kết quả cao ở môn sử. Năm lớp 9, em không những giành giải nhất mà còn là thủ khoa ở môn sử trong kỳ thi HS giỏi cấp thành phố. Đối với Vy, học sử chính là học về gốc gác cội nguồn, là tìm hiểu về những thăng trầm của đất nước qua từng giai đoạn, từng cột mốc đáng nhớ. Em cho biết, một trong những khởi nguồn giúp em học tốt môn học này chính là những lời kể của ba, của ông nội – những người đã từng sống và chiến đấu qua các năm tháng gian khó của chiến tranh. Chính những lời kể mộc mạc ấy đã khiến nhiều lúc Vy tự đặt mình vào hoàn cảnh của từng câu chuyện để cảm nhận được tình thế của giai đoạn đó. Ngoài ra, cách giảng dạy hấp dẫn của giáo viên cũng là nguồn cảm hứng giúp em cảm nhận và tiếp thu thật tốt môn học này.

Yêu thích là thế, nhưng con đường để Vy đến với môn sử ban đầu cũng gặp trở ngại không ít từ người thân bởi ai cũng nhìn thấy được tính chất khô khan, khó áp dụng, khó thành công trong thực tế nếu theo đuổi môn học này. Thậm chí, gia đình còn định hướng cho Vy nên chọn tổ hợp bộ môn thi THPT quốc gia không có môn sử để hạn chế những rủi ro sau này. Nhưng rồi, chính kết quả trong kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia, sự kiên trì nỗ lực của Vy đã giúp em đeo đuổi được ước mơ của mình.

Vy kiến nghị: để giúp HS thay đổi tư duy về môn sử, các giáo viên cần chủ động thay đổi phương pháp dạy, cho HS tham gia những hoạt động như tìm hiểu sâu về một sự kiện, đóng kịch về một nhân vật lịch sử… Ngoài ra, môn sử cũng nên được đưa vào tổ hợp bộ môn xét tuyển ĐH, CĐ, nhất là các ngành về khoa học xã hội để tăng sự lựa chọn cho các thí sinh khi thi THPT quốc gia.

Nguyễn Nhật Thành Vinh (học lớp 11B1 Trường THPT Nhân Việt): TP.HCM đã thay đổi em

Đối với Nguyễn Nhật Thành Vinh, TP.HCM chính là mảnh đất đã khai-phá-ra-con-người-mới trong em. Ngay cả ba mẹ Vinh cũng không nghĩ rằng một đứa con vốn nghịch ngợm với những trò đùa “phá làng phá xóm”, bị ăn đòn không biết bao nhiêu lần ngày nào nay bỗng “rinh” về giải khuyến khích cấp quốc gia tại kỳ thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho HS phổ thông. Điều đáng nói là sản phẩm mà Vinh và các “cộng sự” nghiên cứu lại có “xuất thân” rất gần gũi với nhiều người ở chốn thôn quê: lá trầu không. Vinh cho biết, lá trầu không sau khi điều chế sẽ cho ra sản phẩm xà phòng với các thành phần hoàn toàn từ tự nhiên, có chứa các tinh chất giúp diệt khuẩn và phòng ngừa các bệnh về da rất hiệu quả.

Rời Tân Trụ (Long An) khi mới hết lớp 9, TP.HCM đối với Vinh vừa đầy hấp dẫn lại vừa bỡ ngỡ. Với em, lúc đó lên TP.HCM chính là cách để thoát khỏi sự kiểm soát từ ba mẹ. Nhưng rồi, suy nghĩ đó nhanh chóng bị quên lãng khi em bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Những khó khăn về cơ sở vật chất, kiến thức hạn hẹp của HS lớp 10 cùng những hạn chế về tiếng Anh đã không làm chùn niềm đam mê của cậu học trò nhỏ. Được thầy cô động viên, Vinh và các bạn vừa chủ động liên hệ với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để nhận được sự hỗ trợ về phòng nghiên cứu, vừa chủ động tìm kiếm tài liệu mà chỉ những sinh viên bậc ĐH mới học và sử dụng đến. Ngoài ra em còn cố gắng rèn luyện tiếng Anh, vừa để tìm tài liệu, vừa để tập thuyết trình trước hội đồng giám khảo về sản phẩm của mình…

Ở trường Vinh luôn cố gắng học đều tất cả các môn học. Mới đây nhất, tại kỳ thi Olympic tháng 4 do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng sở GD-ĐT các tỉnh/thành khu vực phía Nam tổ chức, Vinh đã giành huy chương bạc môn hóa.

Nguyễn Công Chánh (học lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến): Từ game thủ đến HS giỏi quốc gia

Nguyễn Công Chánh (giữa)

Nhớ lại khoảng thời gian mê game, Chánh cho biết: Năm lớp 9, khi trúng tuyển vào đội tuyển HS giỏi cấp huyện để tham dự kỳ thi cấp thành phố môn tin học, em đã nghỉ học bồi dưỡng để chơi game. Sự việc này từng khiến mẹ em buồn rất nhiều. Chính những lời nhắc nhở của mẹ đã khiến em thức tỉnh và đầu tư nghiêm túc cho môn học này khi lên THPT và lọt vào danh sách tham dự kỳ thi Olympic 30-4 dành cho HS khu vực miền Nam. Lên lớp 12, khi biết tên mình nằm trong đội tuyển tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia, Chánh đã không khỏi bất ngờ và lo lắng khi xung quanh em đều là các bạn học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Vào đội tuyển, Chánh thừa nhận: “Em bị hổng nhiều chỗ lắm, may nhờ các thầy cô và bạn bè trong đội tuyển giúp đỡ nhiều nên dần khắc phục được những điểm yếu. Lúc đi thi, em cũng chỉ nghĩ là mình cần cố gắng hết mình thôi, chứ không mong là sẽ đạt được kết quả cao vì khoảng thời gian bồi dưỡng ở đội tuyển cũng đã giúp em học được nhiều điều bổ ích rồi”. Chính sự cố gắng hết mình ấy đã giúp Chánh đoạt giải ba môn tin học tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm nay.

Ba mất sớm, một mình mẹ nuôi hai anh em với đồng lương công nhân ít ỏi nên cuộc sống đôi khi có phần túng thiếu, chật vật. Nhưng những nỗ lực của Chánh – con trai lớn trong nhà – sẽ là niềm tin để người thân trong gia đình em vượt qua những khó khăn. Nói về dự định tương lai, Chánh cho biết em sẽ tiếp tục nỗ lực để vào được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, theo đuổi đam mê ngành học khoa học máy tính của mình.

Trần Nguyễn Lan Chi (học lớp 12C2 Trung tâm GDTX Phú Nhuận): Hay giúp người khó khăn theo khả năng của mình

Do có vấn đề về sức khỏe nên vừa hết lớp 10, Chi phải chuyển từ Trường THPT Phú Nhuận sang Trung tâm GDTX Phú Nhuận với những hụt hẫng, bỡ ngỡ trong môi trường học tập mới. Nhưng khi đã quen với môi trường mới, Chi lập tức trở thành “út cưng” của lớp bởi bản tính hiền lành, hay giúp đỡ bạn bè trong học tập. Chính điều này cũng giúp em củng cố lại kiến thức để học tốt ở các môn học.

Với lợi thế học tốt môn tiếng Anh, Chi nhanh chóng lọt vào “tầm ngắm” của các thầy cô khi lựa chọn thành viên tham dự kỳ thi học viên giỏi khối GDTX và trở thành thủ khoa của kỳ thi này. Dù sức khỏe không tốt nhưng em vẫn tham gia các hoạt động từ thiện của nhóm OVY (Organization Voluntary Youngsters) như may, móc đồ quần áo, làm bánh Trung thu cho trẻ em vùng cao.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)