Thí sinh làm bài thi môn toán khối A sáng 4-7 tại điểm thi của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2008 – Ảnh: Quốc Dũng |
Ngành sư phạm tiếng Anh, cử nhân tiếng Anh, ngữ văn Anh đào tạo những gì? Thi hai trường cùng khối A? Hộ khẩu thuộc khu vực 2 nông thôn thi tại TP.HCM có được hưởng điểm ưu tiên? ĐH Kinh tế TP.HCM xét điểm chuẩn ra sao… là những thắc mắc thí sinh hỏi về tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009.
* Em muốn thi hai trường là ĐH Nông lâm (ĐH Huế) và ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nhưng hai trường thi khối A cùng ngày, vậy em phải làm sao? (Phan Dũng, phandung12b5@…)
– Bạn được phép thi hai trường cùng khối, nếu đó là một trường ĐH và một trường CĐ (nếu năm nay vẫn tổ chức thi, vì dự kiến sẽ lấy điểm thi ĐH xét vào CĐ). Nếu bạn chọn hai khối thi không trùng đợt thi (ví dụ: khối A và B, khối A và C, khối A và D…) thì bạn được quyền dự thi cả hai khối cùng một ngành của cùng một trường. Bạn không được thi khối B với C, D hoặc ngược lại, vì các khối này thi cùng đợt, cùng ngày.
Do đó, việc dự thi vào hai trường ĐH cùng khối A là không thể vì thi cùng ngày, chung đợt thi. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa quyết định sẽ học tại trường nào thì làm hai bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào hai trường đó. Đến ngày dự thi, bạn chọn trường nào để thi sẽ được quyết định bằng việc bạn cầm giấy báo dự thi đó đến trường thi.
* Em có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam (thuộc khu vực 2 nông thôn). Em muốn thi vào một trường ĐH ở TP.HCM vì đang ở TP.HCM, vậy em mua hồ sơ đăng ký dự thi tại TP.HCM và nộp trực tiếp vào trường mình dự thi thì có được hưởng điểm ưu tiên cho khu vực 2 nông thôn không? (Đặng Ngọc Thanh, niemtinchienthang_20056@…)
– Khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thì phải có đóng dấu giáp lai. Do đó, nếu bạn không có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng đã đăng ký tạm trú dài hạn (diện KT3) tại TP.HCM thì được chứng nhận hồ sơ ĐKDT tại công an phường nơi bạn tạm trú dài hạn, không phải về quê chứng nhận. Nếu bạn chưa có KT3, hồ sơ phải được chứng nhận tại công an xã, phường nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Nếu không về quê được, bạn có thể gửi hồ sơ (sau khi điền đầy đủ) nhờ người thân đi chứng nhận giúp và gửi vào TP.HCM để nộp.
Tất cả trường ĐH, CĐ trong cả nước đều tính điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng cho thí sinh đăng ký dự thi vào trường mình. Theo quy chế, hiện tại không còn tính ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú mà tính theo thời gian thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu trong ba năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Thí sinh thuộc khu vực 1 được hưởng 1,5 điểm, khu vực 2 nông thôn hưởng 1 điểm, khu vực 2 hưởng 0,5 điểm, khu vực 3 không hưởng ưu tiên. Như vậy, dù bạn thi ở đâu đi nữa thì vẫn được hưởng ưu tiên theo quy định.
* Em muốn thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng không biết cách trường xét tuyển theo điểm chuẩn hay theo điểm từng ngành. Nếu không đủ điểm vào ngành đã chọn nhưng đủ điểm chuẩn của trường thì em có đậu không? Cho em biết rõ cách xét tuyển ngành học của trường? (Đoàn Thị Tô Huyền, tohuyen.dia@…)
– Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lấy điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ngành (một chuẩn duy nhất) từ năm 2004 đến nay. Sau khi sinh viên học xong giai đoạn giáo dục đại cương (1,5 năm), trường sẽ phân bổ sinh viên vào các chuyên ngành theo nguyện vọng, năng lực của sinh viên và chỉ tiêu của trường.
* Em định thi ĐH chuyên ngành tiếng Anh nhưng đang phân vân giữa ba ngành là sư phạm tiếng Anh (ĐH Sư phạm TP.HCM), cử nhân tiếng Anh (ĐH Sư phạm TP.HCM), ngữ văn Anh (ĐH KHXH&NV TP.HCM). Ba ngành này giống và khác nhau như thế nào, từng ngành ra trường có thể làm gì, ngành nào chuyên sâu về ngôn ngữ học hơn? (Vũ Tường Thịnh, steven_vu0308@…)
– Ngành sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để giảng dạy hiệu quả bộ môn tiếng Anh trong các trường THPT.
Chương trình tập trung phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh và năng lực chuyên môn. Theo đó về năng lực giao tiếp, đến cuối năm ba sinh viên có thể đạt được 6,0 điểm IELTS hoặc 500 điểm TOEFL (trình độ đầu vào: B+). Có kiến thức vững chắc về ngôn ngữ học tiếng Anh, ứng dụng kiến thức đó vào việc giảng dạy tiếng Anh. Có kiến thức cơ bản về văn chương Anh và Mỹ, cảm thụ được các tác phẩm văn học của các tác gia nổi tiếng, hiểu biết về lịch sử văn học Anh – Mỹ và ứng dụng kiến thức đó vào việc giảng dạy tiếng Anh. Nhận thức căn bản về văn hóa của các nước nói tiếng Anh thể hiện trong tiếng Anh, hiểu biết rõ về những khác biệt văn hóa Anh – Việt có ảnh hưởng đến hành vi giao tiếp; những kỹ năng ứng dụng nhận thức đó được thực hiện trong giảng dạy tiếng Anh.
Về năng lực chuyên môn: nhận thức ưu và khuyết điểm của các đường hướng dạy học khác nhau, dùng phương pháp dạy nghe – nói – đọc – viết – từ vựng – ngữ pháp, soạn giáo án một cách hiệu quả, sử dụng sách giáo khoa một cách hiệu quả. Nhận biết những nguyên lý thiết kế sách giáo khoa, nhận biết ưu và khuyết điểm của một bộ sách giáo khoa cụ thể, thích ứng sách giáo khoa cho phù hợp tình hình giảng dạy…
Năm 2008 điểm chuẩn ngành này của trường là 25 điểm; năm 2007 là 25 điểm; năm 2006 là 28,5 điểm; năm 2005 là 27,5 điểm (điểm chuẩn của trường nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ).
Ngành cử nhân tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể phục vụ xã hội, làm công tác nghiên cứu, phiên dịch, biên dịch, tiếp tục học lên sau ĐH, hoặc có thể được đào tạo thêm về khoa học giáo dục và nghiệp vụ sư phạm để trở thành nhà giáo.
Năm 2008 điểm chuẩn ngành này của trường là 22 điểm; năm 2007 là 21,5 điểm; năm 2006 là 25 điểm; năm 2005 là 23 điểm (điểm chuẩn của trường nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ).
Ngành ngữ văn Anh của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): đào tạo cử nhân kiến thức cơ bản về văn hóa, văn học và sử dụng thành thạo tiếng Anh như một công cụ giao tiếp xã hội. Hiện khoa có ba bộ môn chính là bộ môn ngữ học – biên phiên dịch, bộ môn văn hóa – văn học, bộ môn thực hành tiếng. Sau khi tốt nghiệp ngành này có thể giảng dạy ở các trường; làm công tác nghiên cứu, biên dịch, phiên dịch cho các tổ chức khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội, các viện nghiên cứu.
Năm 2008 điểm chuẩn ngành này của trường là 17,5 điểm; năm 2007 là 16,5 điểm; năm 2006 là 19 điểm; năm 2005 là 18 điểm (điểm chuẩn của trường không nhân hệ số).
Việc làm sau khi ra trường của ba ngành này phụ thuộc rất nhiều vào kết quả học tập, khả năng, năng lực… của chính bạn. Do đó, dựa vào thông tin mô tả chi tiết từng ngành bạn có thể chọn cho mình một ngành phù hợp nhất.
QUỐC DŨNG (TTO)
Bình luận (0)