Phát hành video âm nhạc dân tộc trên TikTok; đưa hát bội xuống di tích lịch sử, công viên… là cách mà ngành du lịch TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang nỗ lực để quảng bá du lịch. Đây không chỉ là cách làm mới để thu hút du khách mà còn tôn vinh nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Tiết mục âm nhạc dân tộc trình diễn trong buổi giới thiệu chiến dịch “Ngân nga Việt Nam” tại TP.HCM
Quảng bá trên TikTok
Âm nhạc là phần không thể thiếu và nhiều giai điệu, lời ca đã trở thành xu hướng được chú ý ở quy mô toàn cầu khi phổ biến trên TikTok. Nắm bắt được xu hướng đó, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chung tay với nhiều đơn vị thực hiện chiến dịch “Ngân nga Việt Nam” sử dụng bản phối từ 3 làn điệu âm nhạc quan họ, ca Huế và cải lương.
Điểm đặc sắc của “Ngân nga Việt Nam” đến từ màn biểu diễn của 3 nghệ sĩ đại diện cho 3 dòng nhạc đó là NSND Bạch Tuyết, NSND Thúy Hường và NSƯT Vân Khánh. Bên cạnh đó còn có sự cố vấn về mặt chuyên môn từ 2 chuyên gia âm nhạc truyền thống: NSƯT Hải Phượng (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM) và TS. Phan Thuận Thảo (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Dân tộc nhạc học, Học viện Âm nhạc Huế).
NSND Bạch Tuyết cho biết, điều đáng tự hào nhất là cải lương cùng các loại hình âm nhạc truyền thống khác giờ đây trở thành điểm mới để quảng bá bản sắc riêng của dân tộc, đẩy mạnh du lịch quốc gia, được đưa lên các nền tảng số như TikTok để hàng triệu người có thể biết đến, trong đó có cả người nước ngoài. “Với chiến dịch này, tôi kỳ vọng có thể giúp lan tỏa những giá trị văn hóa để chúng tiếp cận gần hơn các bạn trẻ thông qua một phương thức hiện đại, tạo nên sự kết nối, kế thừa cội nguồn tinh hoa giữa các thế hệ”, NSND Bạch Tuyết kỳ vọng.
Hát bội tại đền thờ vua Hùng (nằm trong Thảo Cầm Viên)
Trong khi đó, NSƯT Vân Khánh cho rằng, đưa âm nhạc truyền thống lên nền tảng số thì lợi thế rõ rệt nhất chính là sức lan tỏa, vừa nhanh, vừa tiếp cận được nhiều người. Trong thời đại mọi thứ phát triển nhanh, công nghệ còn giúp người nghe tiết kiệm thời gian, nghe được ở bất kỳ đâu, sáng tạo tùy ý. Không chỉ vậy, khi người nước ngoài đến Việt Nam, được nghe ca Huế trên sông Hương, được biết đến cải lương ở miền Nam hay quan họ ở miền Bắc. Dù cho họ không thể hiểu hết lời ca, giai điệu, cách biểu diễn có thể khiến họ thấy hay, thấy hấp dẫn, từ đó nếu có hứng thú thì mới tìm tòi thêm về văn hóa lẫn các đặc trưng ở địa phương đó được.
Bên cạnh phát hành video, chiến dịch “Ngân nga Việt Nam” còn kêu gọi người dùng TikTok thực hiện và đăng tải video trên nền tảng có nội dung giới thiệu một điểm đến du lịch, một danh lam thắng cảnh, hoặc một yếu tố đặc trưng của địa phương mà họ cảm thấy tự hào và muốn chia sẻ cho mọi người cùng biết đến.
Ông Nguyễn Lê Phúc (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) mong rằng: “Nền tảng TikTok sẽ là công cụ đắc lực trong việc lan tỏa cảnh đẹp, văn hóa của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế trong bối cảnh quảng bá du lịch trực tuyến đã trở thành một xu hướng tất yếu như hiện nay”.
Xuống khu di tích, công viên
Thời gian qua, cứ đến thứ bảy, chủ nhật cách tuần có chương trình biểu diễn hát bội tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh) và Đền thờ vua Hùng (nằm trong Thảo Cầm Viên TP.HCM). Chương trình diễn ra từ 8 giờ 30 đến 10 giờ với các hoạt động như trưng bày mặt nạ, hình ảnh nhân vật, trang phục hát bội, xem các nghệ sĩ vẽ mặt…
Theo NSƯT Hữu Danh – người giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo lực lượng trẻ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, việc có thêm chương trình biểu diễn cho công chúng ở đây có ý nghĩa quan trọng. “Chúng tôi được giao nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát bội. Nhưng nếu không biểu diễn được thì không thể tồn tại. Ở Thảo Cầm Viên, lượng người đến vui chơi đông, cả gia đình có thể tiếp cận với hát bội. Đây cũng là điểm diễn lý tưởng phục vụ khách trong và ngoài nước, qua đó giới thiệu điểm đến du lịch Thảo Cầm Viên”, NSƯT Hữu Danh chia sẻ.
Hát bội tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt
Nếu trước đây, biểu diễn nghệ thuật hát bội là hoạt động thường kỳ 2 lần/tháng vào dịp cuối tuần được tổ chức tại Đền Hùng trong khuôn viên Thảo Cầm Viên. Giờ đây, người yêu thích đã có thêm địa điểm lý tưởng là Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt, một điểm đến ý nghĩa để xem hát bội.
“Chúng tôi mong rằng, những chương trình này sẽ vừa bảo tồn được hát bội vừa giới thiệu điểm đến du lịch của TP.HCM đến du khách trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Hoàng Vinh (Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM) nhấn mạnh. |
Để hát bội tiếp cận gần hơn với công chúng, những vở diễn được thực hiện trong chương trình là những tuồng vui nhộn, hài hước. Ngoài ra, những tuồng hát bội chủ yếu lấy gốc dựa trên những sự kiện lịch sử như vở: Tái hiện cuộc đời Đức Tả quân Lê Văn Duyệt hay Cái chết của Đỗ Thanh Nhân. Đỗ Thanh Nhân là một vị tướng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Chúa Ánh vì cho rằng ông lấn lướt quyền, sau này sẽ có ý định cướp ngôi nên đã xử chết. Vở tuồng đã diễn lại hoạt cảnh khi Đỗ Thanh Nhân vào yết kiến chúa, nói ra những lời nói ngạo mạn mà bị xử tử. Hướng tiếp cận này cho phép khán giả có cái nhìn sinh động hơn về một sự kiện lịch sử của nước nhà. Đây cũng là cơ hội để các khán giả trẻ hiểu biết nhiều hơn về lịch sử và nghệ thuật hát bội – một bộ môn nghệ thuật cung đình chỉ phục vụ trong cung vua ngày trước. Ở mức thông tin cơ bản, khán giả cũng có thể hiểu trọn vẹn vở kịch, phân biệt được “mặt đỏ, mặt trắng” của diễn viên trên sân khấu. Cụ thể, khi diễn viên vẽ khuôn mặt đỏ, ấy là nhân vật trung thần, mặt trắng ngược lại, tức kẻ nịnh bợ.
Ông Nguyễn Hoàng Vinh (Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM) cho biết, chương trình này nằm trong kế hoạch quảng bá nghệ thuật truyền thống, tiến tới xây dựng các điểm du lịch trong TP.HCM do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM khởi xướng, giao cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM thực hiện.
Hồ Trinh
Bình luận (0)