TS-NSUT Hải Phượng và ThS-NSUT Huỳnh Khải |
Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình Nghệ thuật dân tộc; đồng thời tiếp tục phổ biến và đẩy mạnh việc đưa loại hình Âm nhạc truyền thống vào trường học, sáng ngày 11 tháng 9 năm 2017, trường THPT Nguyễn Du phối hợp với Trung tâm văn hóa thành phố, Trung tâm văn hóa Quận 10 tổ chức chương trình “Đờn ca tài tử và âm nhạc dân tộc” tại trường.
Hơn 1.300 học sinh và giáo viên cùng say mê hòa mình vào không khí đậm đặc chất Nam bộ qua những giai điệu và ca từ của những bài bản cổ, lời mới do NSƯT, Thạc sỹ Huỳnh Khải – Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc Nhạc viện TPHCM – giới thiệu.
Nghệ thuật đờn ca tài tử là một trong những loại hình ca nhạc truyền thống, đặc sắc của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ Nhạc lễ, Nhạc cung đình Huế và Nhạc dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ. Nghệ thuật Đờn ca Tài tử được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác hơn 100 năm nay. Từ tháng 12 năm 2013, loại hình nghệ thuật này được Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tham gia trình diễn có các nghệ sỹ ưu tú như NSƯT – Thạc sỹ Huỳnh Khải; NSƯT – Tiến sỹ Hải Phượng; nghệ sỹ Bích Phượng, NSƯT Tấn Giao, nghệ sỹ Đoàn Minh… Đặc biệt, thầy, cô của trường THPT Nguyễn Du cũng tham gia biểu diễn hai bài vọng cổ thật ngọt ngào trong sự thích thú và tiếng vỗ tay nồng nhiệt của các em học sinh.
Cô Nguyễn Thanh Tân GV GDCD với bài cổ nhạc tự sáng tác “Người đi gieo mầm ánh sáng” |
Phần nghệ thuật Múa bóng rỗi cũng góp phần giúp các em học sinh hiểu thêm về một loại hình nghệ thuật dân gian khá đặc sắc. Múa bóng rỗi là múa hát nghi lễ, vào các dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ. Sau việc cúng tế lễ là đến tiết mục múa hát bóng rỗi.
Phần thú vị nhất của chương trình chính là phần các em học sinh cùng làm quen và tập hát bài “Lời ca vang mãi”, lời mới do NSƯT Huỳnh Khải soạn, dựa trên bài “Lý cây bông” – dân ca Nam bộ, qua phần hướng dẫn của nghệ sĩ Minh Đức và nghệ sĩ Thảo Vy. Cả trường cùng hòa giọng trong làn điệu dân ca của quê hương vừa quen vừa lạ.
Khi chương trình khép lại, cả thầy và trò trường THPT Nguyễn Du cùng chung một cảm giác: thêm hiểu biết về đờn ca tài tử và âm nhạc dân tộc, từ đó yêu quý và tự hào về di sản văn hóa của cha ông để lại. Sau buổi ngoại khóa này, hy vọng sẽ có những em học sinh biết giữ gìn và phát huy Đờn ca tài tử, âm nhạc dân tộc nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Năm học 2017-2018 nhà trường chính thức đưa môn học âm nhạc truyền thống vào tiết học chính khóa ở khối 10 gồm 2 tiết một tuần, do thạc sỹ Huỳnh Khải trưởng khoa âm nhạc dân tộc nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh đảm trách. Theo thầy đây chính là một trong những môn nghệ thuật được giáo dục cho các em ở buổi hai. Các em rất thích thú vì chương trình học được tiếp xúc với rất nhiều người nổi tiếng và đặc biệt là môn học không có lấy điểm chỉ có kiểm tra để đánh giá cấp độ nhận thức về nhạc lý của các em.
Tiết mục học sinh tập hát bài Lý cây bông |
Được biết năm học này trường THPT Nguyễn Du đã đưa môn học ở thư viện vào tiết học chính khóa dành cho học sinh khối 11 và dạy kỷ năng sống cho học sinh khối 10 gồm các MC nổi tiếng của đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đảm trách. Ngoài ra để đáp ứng loại hình tiên tiến hội nhập quốc tế nhà trường đã cho sơn sửa toàn trường, tạo cảnh quan rất đẹp, rất văn minh… Thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết “đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Tổ chức nhiều câu lạc bộ như Tiếng Nhật, Tiếng Nga, nghệ thuật nói trước công chúng, Public speaking, bóng bàn, bóng đá, bóng rổ, judo, vovinam, cầu lông, flashmod, nhằm tạo sân chơi trí tuệ và thật sự bổ ích đáp ứng được yều cầu của mô hình nhà trường tiên tiến.
P.V
Bình luận (0)