Cẩn trọng với những trái dừa trắng tinh lại được phủ lên một lớp hóa chất độc hại như thế này
|
Dừa là thức uống lành, mát trong những ngày nắng. Thế nhưng, trái dừa trắng tinh lại được phủ lên một lớp hóa chất độc hại. Điều tai hại là không phải ai cũng biết mà từ chối uống trái dừa đẹp nhưng độc hại.
“Bùa” làm trắng dừa
Vào trong một quán nước trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM gọi một trái dừa uống. Lật nắp cắm ống hút uống nước dừa có mùi rất kì lạ, vừa hôi hôi lại nhạt nhẽo hoàn toàn khác với vị dừa xiêm ngọt lịm vốn có của nó. Nhưng bên ngoài trái đưa thì vẫn tươi mới không có dấu hiệu bị hư.
Dừa gọt hết lớp vỏ xanh, để ngoài không khí chỉ 15 phút là chuyển màu nâu đen. Khi mua dừa chỉ cần nhìn đống vỏ dừa và trái dừa ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt, một trắng tinh và một đen thui. Vậy do đâu có sự khác biệt như thế?
Chất tẩy trắng dừa tên gọi chung của loại hóa chất mà mỗi chỗ một kiểu gọi khác nhau như bột chanh, chất tẩy, nước ngâm dừa… Mỗi xe bán dừa đều có một thùng khoảng 10 lít nước hóa chất đã được pha loãng cáu bẩn bên cạnh. Một ngày trung bình bán khoảng từ 70-100 trái dừa mà 10 lít nước đó dùng cho cả ngày thì độ độc hại thật khó lường.
Khi đến mua một quả dừa, nhìn vào trong thùng có dừa gọt sẵn đang ngâm nổi trên mặt nước. Còn chị bán hàng phía trên thì thản nhiên vớt từng quả dừa từ dưới thùng nước cho lên kệ. Anh T. bán dừa dọc tuyến QL13 (Bình Thạnh) khá hồ hởi: “Không ngâm dừa đen thui à, không ai mua đâu. Ngâm 10-15 phút vớt ra, dừa trắng tinh ai nhìn mà không ham. Quan trọng cho nó “bơi” chút trong loại nước “thần thánh” này thì thời hạn sử dụng đến vài tháng vẫn tốt. Để bình thường chỉ một ngày là không thể bán được nữa rồi và cũng chẳng ai chọn mua một quả dừa đen đúa”.
Đây chỉ là những xe dừa bán rong, còn các đại lí dừa thì quy mô hơn nhiều. Những thùng phuy gần cả 100l nước hóa chất luôn đầy ắp dừa, hết lượt này đến lượt khác liên tục. Một chủ vựa dừa tại khu vực Phạm Thế Hiển (Q.8) cho biết, phải làm thế mới kịp giao cho mấy quán cà phê, quán nước. Mấy dịp lễ tiêu thụ gấp đôi gấp ba ngày thường, nhiều khi làm không kịp giao luôn. Không gì có thể đảm bảo rằng hóa chất không ngấm vào trong trái dừa. Trong khi với lượng hóa chất đó ngâm trong 30 phút thì hoàn toàn có thể ta đã uống một lượng hóa chất nhất định vào trong người. Nếu ngâm 1-2 giờ thì vỏ dừa bên ngoài sẽ mềm nhũn và có mùi.
Lựa chọn nào an toàn?
“100% dừa trắng tinh đang bán đều được ngâm hóa chất”. Đó là khẳng định chắc như đinh đóng cột của những người bán dừa. Loại hóa chất này rất rẻ chỉ khoảng 35 ngàn/kg, loại tốt cao hơn chút 70 ngàn/kg. Ngay tại cửa hàng hóa chất số 60, QL13, Bình Thạnh chỉ cần nói chất tẩy dừa là có ngay. Cũng không khó khăn khi hỏi mua tại khu chợ hóa chất Kim Biên, Q.5. Loại chất tẩy trắng này nằm trong danh sách hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Qua tìm hiểu được biết hóa chất này còn dùng để tẩy trắng… nhà vệ sinh.
TS. Nguyễn Văn Chung – Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết, trong công nghiệp thường sử dụng một số loại hóa chất tẩy trắng bảo quản trái cây như dung dịch NAHSO3 và nước ôxy già. Tuy nhiên, yêu cầu dư lượng trong SO2 trong sản phẩm không được vượt quá 10ng/kg sản phẩm. Chất tẩy trắng như nêu trên có thể là một trong các chất tẩy công nghiệp. Nước Javen là loại dung dịch tẩy có thành phần chính là NaClO, có mùi khó chịu và độc nếu hấp thụ vào cơ thể. Sử dụng trong công nghiệp dệt để tẩy trắng vải, tẩy uế nơi ô nhiễm. Loại này dùng phổ biến trong sản xuất nước tẩy bồn cầu, nhà vệ sinh. Bột Clorua vôi, công thức hóa học CaOCl, là loại bột màu trắng, có mùi hắc, có tác dụng khử trùng và tẩy trắng vải, đồ dùng, nhà vệ sinh… dùng tẩy uế nơi chôn cất xác súc vật chết, bệnh dịch.
Vì thế, khi mua dừa uống thì nên tránh mấy quả dừa trắng đẹp đẽ thay vào đó chọn mấy quả đang còn nguyên, chưa gọt. Dù có hơi nặng khi phải xách tới cơ quan hay mang về nhà nhưng đây là cách duy nhất người tiêu dùng tự bảo vệ mình.
Bài, ảnh: Phạm Quyên
Những quy định của pháp luật
Theo khoản c chương 5 của Luật Hóa chất số 6/2007/ QH12 quy định, không được sử dụng các hóa chất độc có đặc tính gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư, gây biến đổi gen, độc đối với sinh sản, trong các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm.
Theo điều 6 của nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và sử dụng hóa chất nguy hiểm số 163/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Sử dụng hóa chất nguy hiểm trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa không đúng mục đích đã đăng ký. b) Không thực hiện đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm trước khi bắt đầu sử dụng.
|
Bình luận (0)