Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đưa cà pháo, mắm tôm lên bàn ăn thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Những chuyến hàng đặc sản cập cảng xứ người không chỉ đơn thuần mang về ngoại tệ mà còn góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới…
Ngay trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa), hồ hởi khoe vừa đưa 1 container mắm tôm Lê Gia xuống tàu để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Đưa mắm tôm lên Amazon
"Ngay sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, khách đã đặt mua hàng trở lại. Chúng tôi rất mừng vì đây đã là lô hàng thứ 5 họ mua sau khi đặt thử một lô hàng nhỏ cách đây 2 năm. Điều này chứng tỏ sản phẩm mắm tôm Lê Gia đã có được chỗ đứng ở thị trường này. Lô hàng xuất khẩu lần này là mắm tôm đóng chai nhỏ, tương tự sản phẩm Lê Gia bán nội địa. Sản phẩm sẽ được đối tác phân phối cho các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hàn Quốc" – Lê Anh chia sẻ.
Cũng theo Lê Anh, ngoài Hàn Quốc, mắm tôm của công ty anh đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và mới đây là Cộng hòa Czech (thuộc Liên minh châu Âu – EU), đây là một trong những tiêu chí để mắm tôm Lê Gia được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao.
Ông chủ trẻ của Lê Gia còn tiết lộ ngoài xuất khẩu trực tiếp, anh còn có kế hoạch mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon vì mặt hàng này có rất ít người kinh doanh. "Chi phí bán hàng trên Amazon không hề nhỏ, chúng tôi đang cố gắng chuẩn bị thật kỹ rồi mới thực hiện vì bán hàng trên Amazon không chỉ có ý nghĩa quảng bá mà còn mang lại hiệu quả về kinh tế rất lớn" – Lê Anh bày tỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cũng đang tất bật cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Mỹ. "Đối tác đặt 1 container 20 feet với 21 mặt hàng đặc sản Huế như: cà pháo muối, mắm ruốc, mắm tôm chua, dưa món, bánh lọc, bánh nậm,… dự kiến sẽ đi hàng vào giữa tháng 5. Với đơn hàng này, mảng xuất khẩu của công ty bắt đầu đem lại doanh thu chứ không còn mang tính chất quảng bá hay giới thiệu sản phẩm như trước nữa" – ông Tuấn nhìn nhận.
Đưa cà pháo, mắm tôm lên bàn ăn thế giới - Ảnh 1.
Mắm tôm Lê Gia được xuất khẩu thành công sang nhiều nước, vùng lãnh thổ, mới nhất là sang Hàn Quốc.

Tư duy mới
Theo Lê Anh, để sản phẩm xuất ngoại được, doanh nghiệp (DN) phải có đầy đủ các loại giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng quốc tế như: ISO 22000, HACCP… Cách đây 5 năm, khi Lê Gia còn là cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được ngành nông nghiệp địa phương cấp thì sản phẩm chỉ được bán trong nước. Sau đó, anh về tiếp quản cơ sở và đầu tư nâng cấp dần.
"Mắm tôm thường rất nặng mùi nồng và mặn. Chúng tôi đã đầu tư nhà xưởng, kỹ thuật và quy trình sản xuất để cải thiện chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trẻ với mùi thơm dịu và ít mặn hơn. Là sản phẩm truyền thống, chỉ sử dụng muối và tép biển tươi, không sử dụng phụ gia và các chất khác nên khi đối tác nhận mẫu đi xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Ngoài ra, bao bì cũng phải dùng chất liệu được phép dùng cho thực phẩm, nắp đậy tiện dụng cho người dùng…" – Lê Anh nêu kinh nghiệm.
Với Sông Hương Foods, DN cũng phải nghiên cứu cải tiến chất lượng để phù hợp với yêu cầu của nhà nhập khẩu. "Hàng bán trong nước chỉ cần hạn sử dụng 6 tháng là được còn xuất khẩu do thời gian vận chuyển dài nên đối tác muốn sản phẩm phải bảo quản được 12-24 tháng. Do đó, chúng tôi phải đầu tư, nghiên cứu thêm về công nghệ bảo quản mới" – ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông chủ Sông Hương Foods, ban đầu, việc đưa sản phẩm ra nước ngoài chỉ với mong muốn xóa đi hình ảnh "mắm" thường đi kèm với điều kiện sản xuất kém vệ sinh. Tuy nhiên, từ khi đối tác nước ngoài liên hệ tìm hiểu sản phẩm, ông mới nhận ra nhu cầu đối với các dòng sản phẩm đặc sản trên thế giới rất lớn.
"Người Việt mình giờ ăn kim chi Hàn Quốc rất nhiều thì cà pháo muối của Việt Nam cũng có thể lên bàn ăn của người ngoại quốc. Trước mắt, kế hoạch của chúng tôi là "khai phá" thị trường Trung Quốc, một thị trường cực lớn mà bất cứ DN nào cũng muốn chinh phục. Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng nhà máy chuyên phục vụ xuất khẩu và nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến từ cà pháo theo thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc với mục tiêu khi nhà máy mới đi vào hoạt động, mảng xuất khẩu sẽ chiếm 30% doanh thu Sông Hương Foods" – ông Tuấn chia sẻ.
Nước mắm xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ DN (BSA), nước mắm, loại gia vị đặc biệt của Việt Nam, năm 2021 được xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ với giá trị 5,9 triệu USD (chiếm 20,9% thị phần), tăng trưởng 42% so với năm 2020. Sản phẩm được ưa chuộng tại Mỹ là loại nước mắm có hương vị truyền thống, có độ đạm cao nhưng không quá nặng mùi cá. Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của nước mắm Việt Nam với doanh số đạt hơn 4 triệu USD, chiếm 14,1% tổng kim ngạch.
Thị trường Mỹ và các nước Tây Âu có xu hướng chọn những loại nước mắm có độ đạm cao, tức nước mắm truyền thống trong khi thị trường Đông Âu lại thích loại có độ đạm thấp, ít nặng mùi hơn – tức nước mắm công nghiệp hay nước chấm. Các chuyên gia BSA dự báo giá trị xuất khẩu các sản phẩm nước mắm năm 2022 có thể tăng trưởng hơn 5% so với năm ngoái dựa vào tình hình thương mại quốc tế dần phục hồi trở lại sau các biến động của dịch Covid-19.
 
NGỌC ÁNH (theo NLĐ)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)