Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Đưa các nền tảng, ứng dụng số vào đời sống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn thế giới và Việt Nam với 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo Bộ TT-TT, với CĐS, sau nhận thức phải quyết liệt hành động và nhiệm vụ trọng tâm được xác định là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng chính các nền tảng số Việt Nam.

Tìm hiểu các ứng dụng chuyển đổi số tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 ở TPHCM.  Ảnh: T. BA

Tìm hiểu các ứng dụng chuyển đổi số tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 ở TPHCM. Ảnh: T. BA

Để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Trong tháng 10-2022, Bộ TT-TT đã chỉ đạo phát triển, đánh giá, công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân về vấn đề tiêu dùng số. Hiện nay, mạng lưới “Tổ công nghệ số cộng đồng” đã được thiết lập trên toàn quốc. Với 40.000 tổ tại từng làng bản và 200.000 thành viên chủ yếu là thanh niên có kỹ năng số sẵn sàng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn kỹ năng số cơ bản cho người dân, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng số thiết yếu. 

Tính đến tháng 6-2022, Bộ TT-TT đã tổng hợp và công bố 55 bài toán CĐS của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn. Trong đó, có 35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng (31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang thử nghiệm). Bộ TT-TT cũng đã công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.

Hiện, 63/63 tỉnh, thành phố đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai lồng ghép trong kế hoạch CĐS. Cũng theo Bộ TT-TT, hiện tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7% (gấp 1,6 lần so với cùng kỳ 2021); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9% (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2021). Một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.

Quá trình triển khai thực hiện, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực của CĐS. CĐS phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện, nhanh, hiệu quả hơn và chính họ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Giải quyết vấn đề thực tế cuộc sống 

Công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số sẽ chỉ mang lại giá trị đột phá, thành công nếu đó là sự chuyển đổi của toàn dân. Thể chế và công nghệ được coi là động lực, là 2 động cơ của cỗ máy CĐS. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, để toàn dân tham gia CĐS một cách nhanh chóng, công nghệ số phải mang lại những tiện ích giống như điện, nước. Nghĩa là công nghệ số phải được cung cấp như một dịch vụ thiết yếu và phổ biến, càng nhiều người sử dụng giá trị càng cao, chi phí càng thấp. Những nền tảng công nghệ số là chìa khóa giải quyết vấn đề này.

Đó là hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, định danh và xác thực số, dữ liệu lớn, an ninh mạng… Tất cả là dịch vụ cung cấp cho mọi doanh nghiệp và người dân với giá rẻ và dễ tiếp cận. “Khi các nền tảng số cung cấp công nghệ như một dịch vụ được sử dụng phổ biến, công nghệ số sẽ trở thành yếu tố đầu vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội. Đó cũng là lúc công nghệ số thấm vào từng hạt lúa, củ khoai, vào mọi mặt đời sống của người dân Việt Nam”, ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Tính đến giữa tháng 10-2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,2 triệu tài khoản đăng ký; trên 828 triệu lượt truy cập; hơn 7,7 triệu lượt thực hiện dịch vụ tiện ích; thực hiện hơn 5,6 triệu hồ sơ trực tuyến. Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, từ tháng 3-2020 đến tháng 10-2022, có hơn 3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Theo Trần Lưu/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)