Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đưa cải lương đến đình làng

Tạp Chí Giáo Dục

Nỗ lực tìm chỗ đứng trong lòng khán giả vẫn là điều trăn trở thường xuyên của những người tâm huyết với cải lương

Thực hiện chủ trương của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM về việc quảng bá nghệ thuật truyền thống tại các di tích, đình làng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của công chúng, Nhà hát Trần Hữu Trang vừa đưa nghệ thuật cải lương đến biểu diễn ở tại huyện đảo Cần Giờ, được người dân hưởng ứng nồng nhiệt.

Đưa cải lương đến đình làng - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Kim Thùy và Võ Hoài Long trong trích đoạn “Quang Trung hoàng đế”. Ảnh: Nguyễn Thu

Khán giả thích thú, nghệ sĩ hân hoan

Theo chân các nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang đến huyện Cần Giờ, chúng tôi nhận thấy hiệu quả tích cực từ chủ trương nêu trên. Các suất diễn tại đình Tam Thôn Hiệp (xã Tam Thôn Hiệp, ngày 9-4), đình Long Thạnh (xã Long Hòa, 11-4) và đình An Thới Đông (xã An Thới Đông, 15-4) đều đông kín người xem. Nhiều khán giả cho biết đây là dịp họ gặp mặt nghệ sĩ mà lâu nay chỉ thấy trên màn ảnh. Họ còn được xem trực tiếp những trích đoạn, bài ca cổ, tân cổ giao duyên mà mình thích.

Nhiều nghệ sĩ cũng cảm thấy hưng phấn khi được biểu diễn tại các di tích văn hóa của địa phương và hòa mình vào không gian lễ cúng Kỳ yên. NSƯT Mỹ Hằng cho biết: "Khán giả đến đình trước bái yết trong mùa Kỳ yên, sau đó ở lại xem hát. Được diễn tại những nơi thờ cúng linh thiêng của địa phương, là nơi được công nhận di tích văn hóa cấp thành phố, tôi cảm thấy rất tự hào".

Nghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy cũng hân hoan không kém. Anh cho rằng đợt lưu diễn này rất ý nghĩa. Anh cùng các đồng nghiệp đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả nông thôn.

Nhà hát Trần Hữu Trang đã đáp ứng thị hiếu đa dạng của khán giả ở nhiều lứa tuổi qua đợt biểu diễn ý nghĩa này. Mỗi tiết mục dàn dựng đều nhằm vào một bộ phận khán giả với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày, như: lòng yêu nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa và hướng đến việc giữ gìn truyền thống, nguồn cội văn hóa.

Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, nhìn nhận: "Văn hóa đình làng là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian. Vì thế, khi chọn lựa kịch mục biểu diễn, chủ đề chương trình, nhà hát chú trọng chọn lọc những trích đoạn kinh điển, những bài ca cổ ca ngợi công đức các tiền nhân và công lao dựng nước của các vua Hùng. Những buổi biểu diễn này đã trở thành sợi dây liên kết, gắn bó cộng đồng, cùng chung sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn".

Đưa cải lương đến đình làng - Ảnh 2.

Đông đảo khán giả đến xem chương trình nghệ thuật cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang tại đình Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Thu

Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà còn là "chứng nhân" của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Do vậy, khi đến đây, khán giả không chỉ được thưởng thức nghệ thuật cải lương mà còn có dịp thưởng lãm vẻ đẹp kiến trúc cổ kính của ngôi đình.

Khán giả Cần Giờ đã thật sự thích thú khi được tiếp cận những thông điệp mang tính thời sự thông qua hệ thống nhân vật, lời ca gần gũi, nét diễn hài hước duyên dáng của các diễn viên. Ông Lê Văn Thanh, ngụ xã Tam Thôn Hiệp, nhận xét các tiết mục mang tính giải trí, phản ánh đời sống xã hội hiện đại và mang ý nghĩa giáo dục cao khiến ông rất vui. Mỗi tiết mục hay trích đoạn đều kể một câu chuyện hay về cuộc sống, ẩn chứa những bài học sâu sắc, đầy tính nhân văn. Từ đó, mọi người có ý thức thực hiện nếp sống lành mạnh, bảo vệ di tích của địa phương.

Theo NSƯT Mỹ Hằng, Nhà hát Trần Hữu Trang đã lồng ghép vào chương trình các trích đoạn, chặp cải lương phản ánh đa dạng những vấn đề thời sự, nhiều chiều về cuộc sống từ nông thôn đến thành thị; cảnh báo, phê phán tác động tiêu cực từ những mặt trái ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc. "Quan trọng nhất là nghệ sĩ và khán giả cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa, di sản kiến trúc đình làng mà ông cha để lại" – NSƯT Mỹ Hằng bày tỏ.

Theo lãnh đạo Nhà hát Trần Hữu Trang, về lâu dài, để thực hiện tốt hơn chủ trương bảo tồn di sản văn hóa, nhà hát sẽ đặt hàng các tác giả sáng tác những vở ngắn, tiểu phẩm, chặp ca cảnh theo từng chủ đề của đình làng. Hoạt động này góp phần quảng bá, lan tỏa tích cực việc bảo tồn di sản, di tích gắn với du lịch địa phương.

Nhiều nghệ sĩ lão thành cho rằng không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng các tiết mục cải lương về ngôi đình tại địa phương, về những vị tướng, anh hùng dân tộc, chiến sĩ cách mạng đã đổ biết bao xương máu gầy dựng đất nước. "Sân khấu cải lương về đình làng, di tích không thể mang tinh thần "hát show". Cần phải làm thật hiệu quả việc tuyên truyền bảo vệ di sản, văn hóa dân tộc với hình thức thực sự sinh động, hấp dẫn người dân" – NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái lưu ý khi đưa nghệ thuật cải lương vào đình làng cần giữ sự chuẩn mực trong ca diễn, có thể “làm mới” cho phù hợp xu hướng xã hội nhưng không thể cách tân quá mức khiến khán giả phải ngỡ ngàng.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)