Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đưa cải lương lịch sử vào học đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tối 15-2, vở cải lương lịch sử Dấu ấn giao thời (tác giả: Triệu Trung Kiên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) do nhóm Thắp sáng niềm tin (TSNT) thể hiện đã chính thức công diễn tại rạp Hưng Ðạo (TP.HCM), mở đầu dự án đưa cải lương lịch sử đến với học đường của Nhà hát Trần Hữu Trang.

Thy Nhung vai Đàm Thái Hậu (trái) và Lê Hồng Thắm vai Trần Thị Dung thời trẻ -Ảnh: Gia Tiến

Dấu ấn giao thời đã đem lại "dấu ấn" cho Triệu Trung Kiên (trực thuộc Nhà hát Cải lương trung ương) trong cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007 với giải B khi anh đảm nhiệm một lúc ba vai trò: tác giả, đạo diễn và diễn viên chính (vai Lý Huệ Tông lúc trở thành nhà sư). Diễn biến hết sức sinh động trong buổi giao thời giữa nhà Lý và nhà Trần của vở diễn ngay lập tức thu hút soạn giả Hoàng Song Việt – chủ nhiệm nhómTSNT. Anh đã liên lạc với Triệu Trung Kiên để TSNT có thể dựng lại vở này và người hùng "ba trong một" đã đồng ý không một chút đắn đo!

Màu sắc khác của phiên bản mới

Ý tưởng thực hiện lại Dấu ấn giao thời sau đó nhận được sự tán đồng của Nhà hát Trần Hữu Trang, cũng trong cùng thời điểm nhà hát đang có kế hoạch tìm đến giới trẻ, đưa cải lương vào học đường nên ban lãnh đạo đã quyết định mời NSƯT Hoa Hạ đạo diễn với mong muốn có một vở diễn lịch sử thật nghiêm túc nhưng vẫn rất hấp dẫn.

Ðạo diễn Hoa Hạ thổ lộ thật ra chị cũng chưa có điều kiện xem Dấu ấn giao thời do Triệu Trung Kiên dựng hồi anh đưa vở tham dự cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc tại TP.HCM, vì vậy cơ bản vẫn là kịch bản gốc nhưng cách dựng sẽ khó "đụng hàng"!

Ông Phan Quốc Hùng cho biết Dấu ấn giao thời là vở diễn mở đầu cho định hướng dàn dựng những vở cải lương lịch sử có giá trị trong năm 2009 của nhà hát. Tiếp theo là vở cải lương lịch sử Hoàng đế Quang Trung (dự kiến ra mắt ngày 30-4 tại nhà hát Hòa Bình).

Trong buổi ra mắt Dấu ấn giao thời, nhà hát đã mời đại diện của nhiều trường đại học đến xem, sau đó hai bên sẽ có những cuộc trao đổi cụ thể về cách đưa vở cải lương lịch sử này đến với sinh viên đại học, đến với khán giả trẻ như thế nào. Ngoài kế hoạch đến với học đường, Dấu ấn giao thời cũng sẽ biểu diễn đều đặn vào các thứ bảy hằng tuần tại rạp Hưng Đạo.

Quả vậy, Dấu ấn giao thời "phiên bản mới" có màu sắc khác hẳn. Nếu như Dấu ấn giao thời của Triệu Trung Kiên sử dụng thứ ánh sáng mờ tối như nỗi ám ảnh của bóng đêm đang trùm lấy thời cuộc, những âm mưu đen tối đang chập choạng đâu đó, cảnh trí nhấn mạnh vào những hàng cột xiên, không bao giờ thẳng hàng thể hiện lòng người xảo trá, mưu mô thì Dấu ấn giao thời do Hoa Hạ đạo diễn có sáng và thoáng hơn. Ở đó sự toan tính của con người được dồn nén vào những đợt sóng ì ầm vỗ liên tục, những cao trào được đẩy lên gay gắt và sự đan xen quá khứ – hiện tại diễn ra dồn dập…

Có hẳn hai êkip thể hiện nhân vật chính: Võ Minh Lâm – Lê Hồng Thắm đảm nhiệm vai Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung thời trẻ; Trọng Nghĩa – Mỹ Hằng vào vai Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung về sau. Chính sự phân chia này đã tạo cơ hội cho mỗi diễn viên có điều kiện chăm chút phân đoạn của mình hơn, nhưng đó cũng là thách thức để giữ sự liền mạch của một nhân vật.

Sự tiến bộ của nghệ sĩ trẻ

Ðiều đọng lại ở Dấu ấn giao thời chính là một cái nhìn đa chiều, phản ánh một cách cảm, cách nghĩ riêng về thời cuộc mà điểm nhấn là thời khắc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần. Những nỗi đau, mất mát… đã diễn ra nhưng không đi đến tận cùng là sự hận thù…

Nhận xét về vở diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc nói: "Dấu ấn giao thời đã phản ánh được phần nào sự thật lịch sử. Trong điều kiện cải lương khan hiếm kịch bản như hiện nay, đây có thể được xem là vở diễn tốt. Vở hài hòa về nhiều mặt như: cảnh trí, phục trang, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên… Tuy nhiên, phần đầu của vở vẫn chưa được mạch lạc lắm, cách tổ chức các sự kiện thì được nhưng yếu tố mới, nổi bật vẫn chưa thấy. Cái mới mà tôi thích là cách sử dụng ánh sáng, cảnh trí không đi vào lối mòn theo kiểu vẽ cảnh trên tấm phông vải, mà sử dụng cảnh trí nổi khối làm sân khấu nổi bật và rất ấn tượng!".

Còn ông Phan Quốc Hùng – giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang – hồ hởi cho biết ông rất mừng khi chứng kiến được sự tiến bộ rõ rệt của những nghệ sĩ trẻ trong nhóm TSNT. Ngay từ ngày phúc khảo đến lúc vở được công diễn, ông đã "cấm tiệt" khâu nhắc tuồng, đây là điều bất ngờ đối với hội đồng nghệ thuật và cũng là cách ông hướng các nghệ sĩ trẻ phải ý thức học tuồng tích đàng hoàng để có thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật.

LINH ĐOAN (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)