Đó là tâm huyết của nữ nghệ sĩ – đạo diễn Linh Huyền và Richard di San Marzano – họa sĩ người Ý, ông xã của chị. Trong thời gian qua, hai vợ chồng này đã thực hiện nhiều nhiều chương trình đưa cải lương lịch sử Việt đến gần với giới trẻ rất thành công…
Linh Huyền cùng ông xã Richard di San Marzano và NSND Lệ Thủy
Cải lương kết nối tình yêu!
Nghệ sĩ Linh Huyền sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo ở quận 4 – TP.HCM. Vốn mê cải lương từ nhỏ nhưng nhà lại không có tivi, radio nên những ngày cuối tuần, chị phải sang nhà hàng xóm xem và nghe “ké” các vở cải lương nổi tiếng. Hồi ấy, chị cực kỳ hâm mộ nghệ sĩ Thanh Nga uy nghiêm lẫm liệt trong Tiếng trống Mê Linh hay diệu hiền, thủy chung trong Bên cầu dệt lụa. Chính vì thế, chị đã lén ba mẹ đi học cải lương với nhạc sĩ – NSND Thanh Hải. Năm 1989, khi đang học năm nhất Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì chị đã đoạt được huy chương bạc tại Giọng ca cải lương toàn quốc, sau đó đoạt giải A Cuộc thi Tiếng hát ru của Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương do NGƯT Thúy Hoan làm giám khảo. Vì quá đam mê ca hát nên chị quyết định chọn tấm màn nhung và ánh đèn của sân khấu cải lương.
Từ năm 1991 đến 1995, Linh Huyền liên tục gặt hái thành công trên sân khấu cải lương Đoàn Thanh Nga, Sài Gòn 1. Năm 1997, đạo diễn Hoa Hạ mời chị tham gia vở cải lương Đèn lồng đỏ cao cao của Nhà hát Trần Hữu Trang, vai diễn của chị được dư luận đánh giá cao, khi vở tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Linh Huyền đã đoạt Huy chương vàng. Sân khấu cải lương sau đó gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo cuộc sống, sau đó chị chuyển qua hài kịch đi tấu hài cùng với danh hài Anh Vũ. Sau nhiều năm lăn lộn với hài kịch nhưng trong lòng Linh Huyền luôn mơ ước có một sân khấu chuyên diễn những vở cải lương lịch sử giúp cho sinh viên – học sinh hiểu hơn về sử Việt. Tuy nhiên, thời điểm đó, Linh Huyền vẫn chưa đủ lực về kinh tế để thực hiện cho đến khi gặp Richard di San Marzano – ông xã của chị. Số phận đã đưa đẩy cho Richard gặp Linh Huyền tại Côn Đảo. Khi đó, Linh Huyền cùng đoàn diễn ra Côn Đảo biểu diễn để phục vụ chiến sĩ và nhân dân sống ở Côn Đảo. Ngay lúc nhìn thấy Linh Huyền trên sân khấu, Richard đã cảm thấy rung động về nữ nghệ sĩ có gương mặt đẹp phúc hậu và giọng hát ngọt ngào. Rung động về những điệu cải lương mượt mà khiến người ta thực sự bị mê hoặc. Sau buổi diễn đó, Richard đã mạnh dạn đến gặp Linh Huyền và xin làm quen.
Linh Huyền và cố NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh
Nếu Richard ấn tượng với Linh Huyền về giọng hát ngọt ngào trên sân khấu, thì Linh Huyền lại cảm mến Richard bởi sự mê thích mà Richard dành cho cải lương. Phải là một nghệ sĩ cải lương đang làm nghề trong giai đoạn cải lương bị mai một trong lòng công chúng mới hiểu được sự xúc động của Linh Huyền khi cảm nhận được tình yêu của Richard dành cho môn nghệ thuật này.
Hết lòng với cải lương lịch sử Việt
Yêu Linh Huyền và yêu cải lương nên sau khi kết hôn, Richard đã sử dụng số tiền dành dụm được trước đó để cùng vợ thành lập công ty Mekong Artist với chức năng đào tạo nghệ sĩ cải lương trẻ và tổ chức những show diễn nhằm mang cải lương đến với công chúng.
Vợ chồng Linh Huyền đã ra mắt vở cải lương Bà chúa thơ Nôm (tức nhà thơ Hồ Xuân Hương) ở Nhà hát TP do chính chị viết kịch bản và đồng đạo diễn với NSND Trần Minh Ngọc. Vở được đầu tư nghiêm túc, tạo được tiếng vang lớn. Tuy nhiên, chị phải liên tục bù lỗ bởi giá vé bán khá “mềm”, lại ưu tiên giảm 50% giá vé đối với các khán giả là sinh viên, học sinh. Sự thất bại về mặt doanh thu đã không khiến vợ chồng Linh Huyền chùn bước. Richard tiếp tục ủng hộ về tài chính và công sức để Linh Huyền tiếp tục ước mơ của mình. “Tình yêu mà tôi dành cho cải lương không phải mù quáng mà thực sự tôi ý thức được rằng góp sức cho sự tồn tại và phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống là điều gì đó vượt qua mọi giá trị vật chất thông thường. Dù biết rằng tình hình sân khấu cải lương còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ luôn hết mình với mong muốn cải lương trở lại thời kỳ hoàng kim của nó”, Linh Huyền thổ lộ.
Nữ nghệ sĩ – đạo diễn Linh Huyền
Sau đó, Linh Huyền tiếp tục sáng tác và dàn dựng các vở cải lương lịch sử: Sương Nguyệt Ánh, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Toản, Đoàn Thị Điểm… mang đi biểu diễn ở các trường tiểu học, THPT và ĐH trên địa bàn TP được sinh viên – học sinh đón nhận nồng nhiệt. Bên cạnh việc đầu tư dàn dựng, biểu diễn các vở tuồng cải lương lịch sử, chị còn mở những lớp dạy cải lương, trong đó có dạy ca diễn, hóa trang, vũ đạo, sáng tác kịch bản với sự tham gia giảng dạy của chị và nhiều nghệ sĩ tên tuổi để qua đó lưu giữ, phát huy những bài bản cải lương.
Nhiều năm qua, Linh Huyền và Richard cũng đã thực hiện chương trình sân khấu du lịch mang tên Hồn Việt – The Soul of Vietnam diễn ra tại Nhà hát TP rất thành công. Hồn Việt được thiết kế như một hành trình minh họa lịch sử – văn hóa Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại. Ở đây có đủ hình thức biểu diễn từ đàn đá, tuồng, chèo, hát xẩm, nhã nhạc cung đình, cải lương đến các nghệ thuật múa, rối, xiếc, nhạc hiện đại theo phong cách thịnh hành hiện nay. Toàn bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong Hồn Việt đều là trang phục gốc của người bản địa. Linh Huyền chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện chương trình này trước tiên không chỉ vì doanh thu, mà còn là để quảng bá cho văn hóa dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nếu nói đến lợi nhuận, thì lợi nhuận trước nhất là chúng tôi đã làm phong phú thêm chương trình cho du khách khi đặt chân đến TP.HCM. Bởi tôi biết, du khách đến Việt Nam không chỉ để tham quan danh lam thắng cảnh, mà hơn thế nữa, họ đến để tận hưởng những âm sắc đặc thù của nghệ thuật Việt Nam” .
Hoàng Thuận
Bình luận (0)