Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Việc các tác phẩm sử dụng chất liệu dân gian, truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều đã tạo nên mảng màu thú vị cho nhạc Việt

Thiện Nhân – "giọng ca nhí" một thời – đánh dấu sự trở lại trên thị trường âm nhạc sau thời gian dài vắng bóng với MV (video ca nhạc) "Thị Kính". Tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong này sẽ mở đầu cho chuỗi dự án sắp tới của cô.

Thuyết phục cả giới mộ điệu lẫn khán giả đại chúng

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong cũng chính là "cha đẻ" bản hit "Thị Mầu" nổi tiếng trong năm 2023.

Trước khi đến tay Thiện Nhân, ca khúc "Thị Kính" đã có 7 năm bỏ ngỏ vì tác giả chưa tìm được giọng ca phù hợp. Trong MV, Thiện Nhân thể hiện 2 vai diễn khác nhau: Vừa là "cô gái thấu thị" có tuệ nhãn vừa vào vai Thị Kính – nhân vật trong điển tích dân gian "Quan Âm Thị Kính", đại diện hình ảnh người phụ nữ thiện lương dù bị hàm oan vẫn không nửa lời oán thán.

Thông qua điển tích dân gian "Quan Âm Thị Kính", đạo diễn Cao Thương cùng biên kịch Chang Chang đã xây dựng kịch bản bám sát câu chuyện gốc – vốn từng xuất hiện qua các loại hình nghệ thuật như: cải lương, chèo, phim truyền hình…

Sau MV "Thị Kính", Thiện Nhân đã lên kế hoạch ra mắt hàng loạt sản phẩm âm nhạc mới trong thời gian tới. Gần nhất, MV "#DTDB" đang trong quá trình hậu kỳ. Sản phẩm này cũng mang màu sắc dân gian tương tự "Thị Kính."

Trong khi đó, "Kén cá chọn canh" của Hòa Minzy vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt trên các bảng xếp hạng âm nhạc của nhiều nền tảng. Sau cú đột phá vang dội với "Thị Mầu", Hòa Minzy tiếp tục khai thác chất liệu dân gian vào các sản phẩm âm nhạc của mình. "Kén cá chọn canh" tạo được ấn tượng bởi sự pha trộn khéo léo giữa dân ca Bắc Bộ và âm nhạc điện tử hiện đại.

Những năm gần đây, dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân gian, kết hợp hòa âm phối khí hiện đại đã được giới mộ điệu lẫn khán giả đại chúng yêu thích. Trong năm 2023, nhiều album sử dụng chất liệu dân gian đã giành được giải thưởng danh giá tại các lễ trao giải cuối năm, đơn cử như "Vũ trụ cò bay" của giọng ca Phương Mỹ Chi hay "Link" của ca sĩ Hoàng Thùy Linh.

Vì thế, trong lần trở lại mới đây, ca sĩ Đức Phúc cũng không ngần ngại thử sức với dòng nhạc đang khuấy đảo thị trường nhạc Việt này. Với những câu ngân nga "ý a… ý a…" làm người nghe liên tưởng đến dân ca Bắc Bộ và giai điệu bắt tai, MV "Đi chùa cầu duyên" đã trở thành "big hit" của nam ca sĩ này trong năm nay.

Ra mắt đã 2 tháng, "Theo em về nhà" của ca sĩ Ngọc Mai vẫn chưa "hạ nhiệt". Ngoài âm sắc trong trẻo, kết hợp tiếng khèn, sáo… quyến rũ đôi tai khán giả, Ngọc Mai còn áp dụng cách xử lý của hát dân ca nhưng gãy gọn, thể hiện tinh thần hiện đại, pha chút tinh nghịch, trẻ trung.

Ứng dụng sắc màu dân gian vào sản phẩm âm nhạc đương đại còn có "Cánh sen cô độc", "Lời ru ánh sáng" của Ngọc Mai; "Cô Ba ca cổ" của NSND Bạch Tuyết kết hợp Hồ Phi Nal, khắc họa vẻ đẹp vùng đất và con người phương Nam. Ngoài ra, "Cầu duyên" (Hồng Duyên); "Tại vì thương thương" (Avi Kim Anh); album "Chơi trò yêu" với "5 10", "Úm ba la xì bùa", "Kéo co", "Bịt mắt bắt dê", "Oẳn tù tì"… (M Tú); "Điệu đà và Tết ngọt sớt" (Phương Mỹ Chi)… cũng là những sản phẩm thú vị.

Đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc- Ảnh 1.

Ca sĩ Hòa Minzy trong album “Kén cá chọn canh”. Ảnh do nhân vật cung cấp

Không để hòa lẫn vào dòng chảy chung

Đưa chất liệu dân gian vào sản phẩm âm nhạc là chuyện không mới. Ðiểm chung của các sản phẩm này là nghệ sĩ rất chú trọng việc khai thác, sử dụng chất liệu văn hóa dân gian, truyền thống của dân tộc cũng như những nét đặc sắc của mỗi vùng miền, từ đó kết hợp với yếu tố hiện đại một cách đầy sáng tạo.

Hầu hết các sản phẩm âm nhạc này đều tạo nên tiếng vang nhất định cùng với thành công đáng kể của những người thử nghiệm. Trong đó, có thể kể đến trường hợp Tùng Dương, Ngọc Khuê, Ngô Hồng Quang, Hoàng Thùy Linh, Double 2T… hay mới đây là Phương Mỹ Chi. Chính thành công của họ đã góp phần tạo cảm hứng cho những người đi sau.

Nguồn cảm hứng từ chất liệu dân gian, truyền thống trong âm nhạc luôn bất tận. Khai thác chất liệu dân gian, truyền thống vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các thế hệ nghệ sĩ. Khai thác chất liệu ấy cũng đang là xu hướng trong nhiều ca khúc dành cho giới trẻ hiện nay.

Những người trong cuộc cho rằng không chỉ âm nhạc mà văn học, hội họa… cũng luôn khai thác chất liệu dân gian, truyền thống. Trong sản phẩm âm nhạc, chất liệu đó có thể thể hiện qua ca từ, giai điệu, trang phục…

Giới trẻ hiện nay thiên về âm nhạc điện tử. Chất liệu dân gian, truyền thống vì thế cũng được xử lý, "biến hóa" cho phù hợp. Dù vậy, chất liệu dân gian, truyền thống không mang tính "bảo chứng" cho thành công của sản phẩm âm nhạc. Mọi sự kết hợp, phá cách cần phải được tính toán kỹ lưỡng, tỉ mỉ.

Ca sĩ M Tú cho biết trước khi ra mắt album "Chơi trò yêu", cô từng thể hiện nhiều ca khúc đậm đặc yếu tố dân gian, truyền thống. Thế nhưng, trong album mới này, mọi thứ phải được tính toán gia giảm để phù hợp với khán giả.

Theo ca sĩ Hồ Phi Nal, yếu tố văn hóa dân gian, truyền thống có thể giúp sản phẩm âm nhạc thăng hoa hơn nhờ sự độc đáo. Điều quan trọng là nhạc sĩ, ca sĩ cần nắm bắt được xu hướng thịnh hành nhưng không hòa lẫn vào dòng chảy chung.

Hồ Phi Nal cho rằng sử dụng chất liệu dân gian, truyền thống nên vừa phải, để bảo đảm người trẻ vẫn dễ tiếp nhận. Một trong những bí quyết của anh là dùng tông nhạc phù hợp khi chuyển tiếp giữa 2 chất liệu, tránh tạo cảm giác hụt hẫng cho người nghe.

Trong khi đó, nhà sản xuất DTAP nhìn nhận để sản phẩm âm nhạc thành công, trước hết cần thái độ làm việc nghiêm túc của các khâu liên quan. Khi dành hết công sức, trí tuệ, sự sáng tạo thì sản phẩm sẽ được khán giả đón nhận.

Với xu hướng số hóa nghệ thuật – bao gồm âm nhạc – hiện nay, văn hóa dân gian càng có nhiều cơ hội được phổ biến, lan tỏa. Cùng với xu hướng này, nhiều người trẻ cũng đã tiếp nhận âm nhạc dân tộc theo một xu thế mới, loại bỏ dần cái cũ lạc hậu, đánh giá đúng sự sáng tạo của nghệ sĩ. Ðây là hướng đi đáng khuyến khích, góp phần tạo nên sự đa dạng, sôi động cho đời sống âm nhạc nước nhà, đồng thời đưa văn hóa truyền thống không ngừng lan tỏa. 

Âm nhạc dân gian luôn mang giá trị bền vững. Sự dung hòa của hai yếu tố dân gian và hiện đại trong các sản phẩm âm nhạc đã tạo nên sắc màu riêng, độc đáo cho nhạc Việt.

Theo Thùy Trang/NLĐO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)