Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đưa chủ quyền biển đảo vào SGK: Cần 4 “mũi” tấn công

Tạp Chí Giáo Dục

GS. sử học Vũ Dương Ninh
Sắp tới, ngành giáo dục sẽ đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên (HSSV) từ phổ thông đến ĐH. Đây là một chủ trương đúng và được xã hội hoàn toàn ủng hộ. Nhưng đưa như thế nào để những kiến thức khô cứng ngấm được vào trái tim người học? 
GS. sử học Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội) cho rằng:Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng bộ sách giáo khoa (SGK) mới, trong đó có SGK lịch sử. SGK lịch sử hiện hành đã thực hiện được nhiệm vụ của nó. Nhưng những vấn đề đấu tranh bảo vệ biên giới, chủ quyền biển đảo chưa được chú ý đầy đủ. Thời gian gần đây vấn đề này đã trở nên cấp thiết, thúc đẩy việc nghiên cứu. Nhất là mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị phải coi trọng hơn nữa việc đưa vào SGK vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước, trong đó có bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ biên giới trên đất liền và hải đảo.
Đây là một thuận lợi nhưng chủ quyền biển đảo trong giáo dục nói chung không chỉ là nhiệm vụ của môn lịch sử mà phải có sự phối hợp giữa các môn. Theo tôi, có thể có 4 mảng quan trọng để giáo dục HS vấn đề này.
Thứ nhất với môn địa lý – môn này cho HS hiểu được lãnh thổ toàn vẹn của đất nước. Trước đây, chúng ta mới chỉ hướng HS chú ý đến phần lãnh thổ trên đất liền, chưa thật chú ý lãnh thổ trên biển. Phải dạy HS biết lãnh thổ Việt Nam gồm đất liền và biển đảo. Môn địa lý có nhiệm vụ dạy để HS hiểu Việt Nam có vùng biển rộng với những đảo lớn, đảo nhỏ như thế nào, tiềm năng kinh tế và vị trí quốc phòng của biển đảo ra sao… Thứ hai, nhiệm vụ của môn lịch sử là làm rõ chủ quyền biển đảo của Việt Nam được xác định từ bao giờ, các Nhà nước Việt Nam trước đây đã từng có những biện pháp gì để bảo vệ chủ quyền đó. Những tài liệu cho đến nay tìm được rất nhiều. Môn lịch sử phải làm rõ chủ quyền đã được xác lập từ sớm và trên thực tế, chúng ta đã thực thi chủ quyền đó. Thứ ba là nhiệm vụ của môn giáo dục công dân.  Môn này phải đưa cho HS kiến thức cơ bản về chiến lược biển của Việt Nam là phấn đấu đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển, đồng thời nêu rõ những ý chính của Luật Biển Việt Nam. Thứ tư là phần dạy về lịch sử – địa lý các địa phương. Ví dụ, các tỉnh ven biển, HS phải được học kỹ hơn về địa lý biển đảo ở địa phương mình, công cuộc bảo vệ và xây dựng đã diễn ra như thế nào, đời sống văn hóa xã hội của cư dân trên đảo ra sao…
Đây là 4 “cánh quân”, “mỗi cánh quân” trên cơ sở chuyên môn của mình đem lại kiến thức chung cho HS, nâng cao tình yêu đất nước và trách nhiệm bảo vệ biển đảo quê hương.
Thực ra tôi nghĩ không có riêng môn “biển đảo học” nhưng qua sự phối hợp các môn này, HS có kiến thức toàn diện về lãnh thổ trên biển và trên đất liền của Việt Nam. Muốn có được sự phối hợp này phải bồi dưỡng cho các thầy cô giáo kiến thức về biển đảo nói chung, để các thầy cô nắm được vấn đề một cách chắc chắn. Từ đó, vận dụng vào môn của mình, mở rộng kiến thức một cách phong phú và đi vào tình hình cụ thể của địa phương mình. Tôi nghĩ rằng, có thể hình dung đó là một trận đánh có nhiều mũi tấn công để giải quyết vấn đề.
PV:  Nhưng làm thế nào để vấn đề này không rơi vào tình trạng giống môn lịch sử hiện nay, thưa ông?

Một tiết dạy học môn địa lý tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
– GS. Vũ Dương Ninh: Người viết SGK không chỉ có kiến thức mà còn cần có nghệ thuật, đó là nghệ thuật sư phạm. Nhưng quan trọng hơn là người giảng dạy. Các thầy cô có thể dùng nhiều hình thức như hình ảnh, tấm gương, tham quan tìm hiểu… để thu hút sự chú ý và hứng thú của HS. Tiếp nữa là hoạt động ngoại khóa. Các tỉnh ven biển có thể tổ chức cho HS thăm một đảo nào đó, rồi mở ra các cuộc thi của Đoàn, Đội về chủ đề biển đảo… Cùng với sự phát triển của CNTT, giáo viên có rất nhiều cách để mở rộng sự hiểu biết của HS. Trước đây chủ quyền biển đảo chưa được quan tâm đầy đủ, nhưng từ khi có sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tháng 5-2014, khí thế bừng lên, người dân đặc biệt quan tâm về biển đảo. Về mặt giáo dục, đây là cơ hội để nhấn mạnh vấn đề chủ quyền của đất nước, vấn đề gìn giữ biển đảo quê hương. Giáo dục phải giữ được không khí như thế, phải trở thành ý thức thường trực, phải nuôi dưỡng tinh thần đó trong xã hội.
Vùng đồng bằng, ven biển dạy về biển đảo có thể sẽ không có gì trở ngại, nhưng còn ở miền núi – nơi gần như 100% HS chưa bao giờ nhìn thấy biển, thấy đảo thì sao, thưa ông?
– Chắc chắn giáo viên và HS sẽ gặp khó khăn. Nhưng không phải không làm được. Giống như HS thành phố có nhiều điều chưa biết về nông thôn, miền núi. Các thầy cô giảng dạy qua sách vở, sử dụng hình ảnh một cách sinh động cùng những chuyện kể… Chúng ta đang bàn về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng đừng quên vấn đề bảo vệ biên giới trên đất liền. Tùy theo địa phương mà nhấn mạnh mặt này hay mặt khác.
Sắp tới, sẽ có bộ SGK mới, theo ông, SGK môn lịch sử nên thay đổi như thế nào?
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐTchủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và đưa vào chương trình giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho HSSV các trường THPT, TCCN, CĐ và ĐH.
– Theo tôi, đầu tiên là cần đơn giản ngay từ chương trình môn học, đừng tham quá. Các thầy viết thường muốn HS biết hết mọi thứ. Nhưng trí tuệ của HS chưa thể kham nổi vì các em đâu phải chỉ học một môn. Nhược điểm vừa qua là chương trình quá nặng, không phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi thiếu niên, mới chớm thanh niên, không phù hợp với thời lượng cho phép. Do đó, SGK phải tinh giản. Tinh giản chọn lọc những vấn đề cơ bản nhất và trình bày một cách hệ thống, đơn giản, dễ hiểu. Kế đến là đội ngũ giáo viên. Sư phạm không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề nghệ thuật. Cùng một vấn đề, có người nói hay, có người nói chán. Do đó, phải xây dựng đội ngũ giáo viên vừa nhiệt tình, vừa có kỹ năng và có nghệ thuật truyền đạt. Nói thật, những người không có năng lực sư phạm thì mãi cũng sẽ không thể giảng hay được. Do đó, thi vào sư phạm không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn phải kiểm tra năng khiếu diễn đạt. Việc lựa chọn đội ngũ sư phạm cần phải có cuộc cách mạng thực sự.
Điều quan trọng nữa là phương tiện giảng dạy. Cần có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại vào công tác giảng dạy của GV, cần các tài liệu cho GV đọc thêm. Rồi phải thay đổi nhận thức của phụ huynh. Vai trò của nhà trường, của phụ huynh là hướng dẫn HS đọc cái gì, mua sách gì cho HS đọc là điều rất quan trọng.
Riêng về SGK lịch sử, theo ông, nên tinh giản như thế nào?
– Tôi nhắc lại không nên tham nhồi nhét kiến thức. Mỗi thời kỳ, mỗi triều đại chỉ nhấn mạnh vài điểm trọng yếu nhất. Lấy ví dụ HS học lịch sử Việt Nam từ thành lập Đảng đến nay phải học qua tất cả các giai đoạn, học sâu vào các vấn đề thay đổi chiến lược, chiến thuật của lãnh đạo, nắm bắt từng chiến dịch quân sự…, các em không thể hiểu nổi, nhớ nổi. Tôi cho rằng chỉ học 5 bài: Bài 1 Thành lập Đảng; bài 2 Cách mạng tháng Tám; bài 3 Chiến thắng Điện Biên Phủ; bài 4 Chiến thắng mùa xuân năm 1975; bài 5 Thời kỳ đổi mới. Viết như chương trình và SGK hiện hành là quá rườm rà, nặng nề, không cần thiết. Tinh giản là xác định những mốc chính, từ mốc đó chọn ra mấy sự kiện cơ bản, hệ thống mà HS nhất thiết phải biết, phải hiểu…
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
HS bậc học nào nên cung cấp kiến thức mức độ đó
Việc viết SGK, ngoài nội dung phong phú và chính xác, còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật và nghệ thuật viết SGK của các thầy cô. Theo đó, cần xác định rõ ở mức THCS và THPT nên cung cấp kiến thức đến mức độ nào. Nếu HS có được kiến thức chung đó, khi lên ĐH, các em được học ở trình độ cao hơn, tổ chức những buổi thảo luận, hoạt động ngoại khóa về chủ đề biển đảo. Như vậy, chúng ta có một hệ thống xuyên suốt và dạy HS bằng cách “mưa dầm thấm lâu”. Cách làm này tạo nên kiến thức tổng hợp cho HS một cách chắc chắn.
GS. Vũ Dương Ninh
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)