Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đưa con trẻ đến những câu lạc bộ robot

Tạp Chí Giáo Dục

Thay vì để trẻ chơi game, xem hoạt hình một cách thụ động, nhiều phụ huynh hiện nay bắt đầu đưa con đến những lớp học lập trình để trẻ học làm chủ công nghệ, hiểu được ý nghĩa và ứng dụng công nghệ một cách có ích.

Đưa con trẻ đến những câu lạc bộ robot
Vừa đến lớp là các em đã hối thúc thầy giáo bắt đầu tiết học ngay dù vẫn còn chưa đến giờ học – Ảnh: Lê Đinh

Dù chiều chủ nhật trời mưa, các em học sinh tiểu học đều rất hào hứng và mong đợi đến CLB Robotics (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) để được tham gia lớp học lập trình điều khiển robot.

Các em được học lập trình bằng việc quan sát các vận động, sự vật qua những hành động của thầy cô hoặc của các đoạn phim hoạt hình ngắn, rồi trả lời các câu hỏi của thầy giáo về việc tạo ra một chú robot có khả năng kéo, mang vác vật nặng để giúp bác nông dân vận chuyển rau quả.

Sau đó, trẻ theo dõi hướng dẫn trên máy tính bảng và lắp ráp ra mô hình cơ bản và điều khiển con robot có thể kéo được đồ vật.

Bằng một phần mềm trên máy tính bảng được kết nối với một thiết bị nhỏ được gọi là “bộ não” của robot, các em có thể điều khiển được robot thông qua các lệnh trên màn hình, quan trọng là các em phải tư duy để kết hợp các lệnh đó, điều khiển được robot theo yêu cầu.

Đưa con trẻ đến những câu lạc bộ robot
Em Kim Bubin (10 tuổi) đang tháo dỡ mô hình để xem lại các chi tiết trong robot – Ảnh: Lê Đinh

“Con đến lớp là chỉ mong học ngay, mở ngay bộ xếp hình ra thôi”, em Lê Hoàng Nhân (11 tuổi) cho biết.

Để giúp trẻ nâng cao trình độ, thầy giáo yêu cầu trẻ lập trình làm sao cho robot đi không dừng thay vì cứ đi một đoạn là tắt.

Khó hơn nữa, hiện tại bánh xe bằng nhựa cứng di chuyển trên mặt phẳng láng rất trơn và không ổn định, sau một hồi lắp ráp thử các kiểu, cuối cùng, em Kim Bubin (10 tuổi) đã bọc một lớp cao su dẻo bên ngoài bánh xe.

Tác phẩm của Bubin là một chú robot có thể kéo được sự vật, đi mãi và di chuyển một cách chắc chắn, ổn định, thêm vào đó, trẻ được thầy dạy một khái niệm về “lực”.

Thầy Cao Xuân Nam (CLB Robotics) cho biết đối với trẻ cấp tiểu học, các em sẽ học về lập trình một cách đơn giản qua việc quan sát và thực hành chơi trên các bộ xếp hình gồm các thanh nhựa, pin, động cơ di chuyển và các con mắt quan sát của robot. Các em sẽ tương tác với màu sắc, va chạm, thăng bằng và một số khái niệm khoa học cơ bản.

“Ban đầu, theo hướng dẫn, các em sẽ lắp ráp các mô hình và lập trình để chúng vận động được theo yêu cầu. Sau đó, dựa trên những gì đã học, tôi ra đề cho các em phải thi đua với nhau để làm ra một mô hình khác ví dụ như ông già tuyết đưa tay tặng quà, tuần lộc kéo xe, những cử động của robot mô phỏng những hành động có thực.

Các em làm việc nhóm với nhau, mỗi nhóm tạo ra một chú robot khác lạ mà nhiều khi không ai nghĩ tới. Quả thực rất sáng tạo. Rồi các em thuyết trình cho tôi về ý tưởng của chúng, tự tranh luận với nhau, hướng dẫn cho nhau. Tôi rất bất ngờ”, thầy Nam chia sẻ.

Đưa con trẻ đến những câu lạc bộ robot
Em Lê Hoàng Nhân (11 tuổi) phấn khích với tác phẩm vừa hoàn thành của mình – Ảnh: Lê Đinh

Em Lê Hoàng Nhân (11 tuổi) vui cười: “Cả tuần con ráng học trong lớp thật tốt để cuối tuần được ba chở con tới đây. Con có nhiều ước mơ lắm mà tất cả đều có liên quan tới robot”.

“Chơi ở nhà thì không vui vì lắp xong robot đứng im re nhưng ở đây thì nó di chuyển theo ý mình. Con thấy nó nhúc nhích được là con vui lắm rồi. Với lại ở đây có bạn, con thích được thi đua và xem các bạn khác làm nữa”, em Kim Bubin hớn hở kể.

Thầy Phan Duy Hùng (trung tâm dạy lập trình cho trẻ em – Robokid, Hà Nội) cho biết: “Rất nhiều người đồng nhất việc lập trình với việc ngồi tỉ mẩn viết các dòng mã lệnh khó hiểu, rối rắm và nhàm chán.

Thực ra, lập trình chính là quá trình ra lệnh cho máy tính thực hiện công việc theo những gì mình mong muốn. Do đó, nó là cả một quá trình bao gồm nảy ý tưởng, phân tích, thiết kế, sau đó viết mã lệnh chương trình, thử nghiệm và cài đặt để chạy thực tế.

Quá trình này đòi hỏi phải giàu ý tưởng, sáng tạo, kiên trì và có nhiều kỹ năng giao tiếp, truyền thông quan trọng”.

 

LÊ ĐINH/TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)