Thông qua các ứng dụng công nghệ, người tham quan triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP.HCM có thể vừa xem tranh vừa thưởng thức những ca khúc viết về Bác hoặc đọc trực tuyến những nội dung toàn văn tài liệu, đề tài nghiên cứu, sách, phim tư liệu… về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn viên, thanh niên tìm hiểu tư liệu về Bác tại “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của ĐH Quốc gia TP.HCM
Phòng trưng bày thực tại mở rộng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP.HCM vừa khánh thành, trở thành không gian sinh hoạt chính trị, văn hóa và tinh thần của cán bộ, viên chức, đảng viên, đoàn viên, sinh viên và người lao động viên trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM cũng như tất cả cộng đồng.
Với việc ứng dụng công nghệ, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP.HCM” được xây dựng trên 3 nền tảng: Ứng dụng triển lãm 3D trên nền tảng web; thể hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong môi trường thực tại ảo 3 chiều với kính thực tại ảo để tham quan; ứng dụng tương tác tự nhiên trong không gian tham quan (sử dụng camera độ sâu) mang lại cảm giác sinh động, thú vị, hấp dẫn.
Phòng trưng bày của “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP.HCM được tổ chức thành 5 chủ đề tham quan chính gồm: Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc; Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên, nhân sĩ trí thức và sự nghiệp trồng người; Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam; ĐH Quốc gia TP.HCM học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong đó, chủ đề 1 về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp 30 hình ảnh, phim tư liệu về nơi sinh của Bác; đôi nét về song thân, anh và chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những nơi Bác từng sống, học tập, tham gia phong trào đấu tranh, đặc biệt là hình ảnh hai lần Bác Hồ về thăm quê hương (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) sau 50 năm xa cách.
Trải nghiệm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong môi trường thực tại ảo 3 chiều với kính thực tại ảo
Chủ đề 2 về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc tập hợp 72 hình ảnh và tư liệu; trong đó có sự kiện ngày 5-6-1911 từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Những năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, Bác Hồ đến với chủ nghĩa Mác – Lênin; Người vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế ở Việt Nam, sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, tổ chức và trực tiếp lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945)… Bên cạnh đó, còn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác.
Có thể thấy, qua các ứng dụng công nghệ, người tham quan triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP.HCM có thể vừa xem tranh vừa thưởng thức những ca khúc viết về Bác hoặc đọc trực tuyến những nội dung toàn văn tài liệu, đề tài nghiên cứu, sách, phim tư liệu… về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, có thể dễ dàng kết nối và truy cập đến trang “Cơ sở dữ liệu tư liệu Hồ Chí Minh” để tìm hiểu.
Lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường thành viên tham quan “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH này
Được biết, cổng thông tin “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP.HCM trên môi trường thực tại mở rộng là: https://khonggianvanhoahochiminh.vnuhcm.edu.vn. Cơ sở dữ liệu tư liệu Hồ Chí Minh: https://tulieuhochiminh.vnulib.edu.vn. |
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM), đây là kết quả từ một năm chuẩn bị của ĐH Quốc gia TP.HCM, trong đó có nhóm phụ trách công nghệ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với nhiều mô hình thử nghiệm khác nhau. Sau khi khánh thành phòng trưng bày thực tại mở rộng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, trong giai đoạn tiếp theo, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng quảng trường mà điểm nhấn là tượng Bác. Đây sẽ là nơi sinh hoạt chính trị, tư tưởng không chỉ của thầy trò ĐH Quốc gia TP.HCM mà còn của người dân sống trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương.
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ lan tỏa tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nhận thức và hành động của cán bộ, giảng viên, người lao động, người học tại thành phố mang tên Bác; qua đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng, tạo động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển văn hóa, con người của thành phố này.
Thục Trân
Bình luận (0)