Bắt đầu từ năm học này, khối lớp 9 và lớp 10 sẽ được học về Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc. Đó là một trong những nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông thực hiện 37 tuần thực học (học kỳ I: 19 tuần, học kỳ II: 18 tuần) trên cơ sở giữ nguyên tổng số tiết học của mỗi môn học, các trường cần điều chỉnh thời lượng và tích hợp một số hoạt động giáo dục, giảm số tiết học bình quân hàng tuần.
Đối với các môn khoa học xã hội, cần khắc phục tình trạng thiên về kiểm tra đánh giá ghi nhớ kiến thức, tăng cường ra đề mở nhằm kiểm tra mức độ thông hiểu và vận dụng sáng tạo kiến thức để giải quyết vấn đề và tạo cơ hội cho HS biểu đạt chính kiến của bản thân khi làm bài. Đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên, cần phát triển kỹ năng tư duy logic, kỹ năng thực hành, thói quen vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn.
Đối với dạy học phân ban, Bộ yêu cầu các trường THPT rút kinh nghiệm trong 3 năm học vừa qua để tổ chức tốt việc dạy học phân hóa bằng phân ban kết hợp với dạy học tự chọn sắp xếp học sinh vào các ban và các hình thức học tập phân hóa phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh và điều kiện của mỗi trường. Chú trọng bồi dưỡng, hướng dẫn, bảo đảm cho giáo viên (GV) nắm vững chương trình – sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, sử dụng thiết bị dạy học.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các môn Mĩ thuật, Âm nhạc (THCS), Bộ đưa ra giải pháp là các trường có thể hợp đồng GV, sử dụng GV thỉnh giảng trong số các hoạ sỹ, nhạc sỹ ở địa phương, thuê thiết bị để bảo đảm dạy đủ các môn học. Có thể lựa chọn nội dung dạy học thích hợp để bảo đảm yêu cầu giáo dục toàn diện.
Hồng Hạnh/Dan tri
Bình luận (0)