Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai dạy học trực tuyến, cộng hưởng với dạy học trực tiếp trong chương trình giáo dục, đưa phương thức này trở thành phương thức dạy học chính thức.
Cần có lộ trình, tính toán nhiều yếu tố để đưa dạy học trực tuyến thành phương thức dạy học chính thức. Trong ảnh, GV tại TP.HCM đang dạy trực tuyến trong những ngày học sinh nghỉ chống dịch Covid-19
Thông tin này được Bộ GD-ĐT đưa ra trong Hội nghị trực tuyến về đánh giá chất lượng dạy học từ xa, qua internet, truyền hình do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây. Đây được xem là lộ trình để ngành giáo dục đẩy nhanh chuyển đổi số, từng bước số hóa trường học. Song, từ phía nhà trường, giáo viên, các đơn vị nhìn nhận để phương thức này trở thành phương thức dạy học chính thức, trở thành một bộ phận không thể tách rời của chương trình giáo dục thì cần phải có lộ trình. Từng bước để giáo viên làm quen, thành thạo CNTT, đồng thời tính toán đến các yếu tố về đặc thù địa phương, đặc thù đối tượng học sinh để không thiệt thòi cho học sinh và cả giáo viên, đưa đến chất lượng, hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Cần lộ trình
Bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ khi đưa phương pháp dạy học trực tuyến vào chương trình giáo dục, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) khẳng định, nếu làm được như thế, các chương trình giáo dục của nhà trường sẽ phong phú hơn bởi giáo viên có nhiều thời gian trên lớp hơn để thiết kế bài học, học sinh cũng sẽ được trải nghiệm thực tế nhiều hơn. “Xu hướng dạy học trực tuyến đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ngay cả tại Việt Nam, hình thức này cũng được một số trường quốc tế đưa vào bộ môn như tiếng Anh. Với phương thức này, học sinh được phát huy tối đa khả năng tự học, tự đọc, tự chọn lọc thông tin, tự xây dựng kế hoạch học tập…, từ đó giúp các em hình thành kỹ năng chủ động, tự lập, biết chọn lọc thông tin từ mạng xã hội, tự tìm tòi nghiên cứu những kỹ năng mà hiện tại đa số học sinh rất yếu…”.
Tuy nhiên, cô Trang cho rằng, để thực hiện thì cần phải có lộ trình, từng bước, ở từng bộ môn trong từng cấp học. Trong đó, giáo viên phải được tập huấn sử dụng CNTT một cách thành thạo, để làm sao mỗi giáo viên phải làm chủ được CNTT, làm chủ được tiết học trực tuyến do mình xây dựng. “Các phần mềm, công cụ trong dạy học trực tuyến cần phải thống nhất, không thể mạnh trường nào trường đó làm. Cạnh đó, bộ cũng cần phải xây dựng hẳn một khung giáo án bài giảng cho các tiết học trực tuyến trong đó đưa ra những tiêu chí chuẩn mực để giáo viên thiết kế. Song song đó, cần ban hành thêm cách đánh giá học sinh khi tham gia tiết học trực tuyến để giáo viên, nhà trường áp dụng đánh giá học sinh. Và nhất là cần phải có khung hành lang pháp lý vững vàng để từ nhà trường không lỏng lẻo trong quản lý các tiết học trực tuyến”.
Trao tính chủ động cho đơn vị trường học
Nhìn nhận lại quá trình dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ chống dịch Covid-19, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) đánh giá, dù chỉ mang tính nhất thời và bị động song đã nâng cao trình độ về sử dụng CNTT, thiết kế đa dạng bài giảng của nhiều giáo viên. Nhiều giáo viên đã có sự linh hoạt trong tổ chức bài giảng, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh. “Mặc dù phát huy được nhiều yếu tố tích cực nhưng thời gian qua, dạy học trực tuyến vẫn chỉ dừng ở mức mạnh trường nào trường đó làm, chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Để trở thành một phương thức dạy học chính thức, điều cơ bản và trước tiên đó là cần phải tạo tính đồng bộ trong phần mềm sử dụng, thống nhất ở các nhà trường, các cấp học. Bên cạnh đó, giáo viên, phụ huynh, học sinh phải được tập huấn để làm quen, từ đó mới thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình”.
Theo cô Chi, bước đầu thực hiện, hình thức này chỉ nên áp dụng ở một số tiết, ở một số bộ môn. “Trao tính chủ động cho từng đơn vị khi triển khai như thế sẽ phù hợp nhất với đối tượng học, đặc thù đơn vị để tiết học trở nên hiệu quả”.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Q.4 lại cho rằng, bộ cần tính toán thêm đến các yếu tố về đối tượng học sinh khi triển khai dạy học trực tuyến. “Đâu phải học sinh nào cũng có điều kiện để trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất như máy tính kết nối mạng để học trực tuyến. Ngoài ra, với học sinh tiểu học, ý thức tự học chưa cao, khi áp dụng dạy trực tuyến cần phải có phụ huynh ngồi cạnh để kèm cặp, hướng dẫn. Như vậy, nếu đối tượng gia đình học sinh không có điều kiện để tham gia học trực tuyến thì nhà trường cần phải xử lý như thế nào, bổ sung kiến thức, đánh giá ra sao… cũng cần bộ phải làm rõ”.
Ngoài ra, hiệu trưởng này cũng đề cập đến việc thời gian học tiết học trực tuyến trong từng cấp học cũng phải được thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh thì việc học mới hiệu quả. “Học sinh tiểu học thì thời gian học trực tuyến không thể giống với học sinh THCS, THPT bởi các em rất nhanh chán. Vấn đề này, bộ nên thiết kế, tính toán về cả yếu tố tâm lý tác động đến tiết học của học sinh”.
Để hiệu quả trong triển khai dạy học trực tuyến trong chương trình giáo dục, từ kinh nghiệm của đơn vị mình sau thời gian dạy học “thời Covid-19”, cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) cho rằng, ngoài yếu tố về hành lang, pháp lý, thì quan trọng nhất là tính chủ động và sự thích ứng của giáo viên đối với phương thức này. “Thay đổi quan điểm của giáo viên, nhà quản lý là yếu tố không thể thiếu khi đưa hình thức dạy học trực tuyến trở thành chính thức”.
Ngoài những yếu tố trên, ThS. Phan Duy Khôi (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) bổ sung, để phương thức dạy học trực tuyến trở thành một phương thức của tiến trình giáo dục thì các nhà trường cũng phải chuẩn bị về cơ sở vật chất như máy tính, phòng thu để giáo viên xây dựng những giờ học hiệu quả, chất lượng.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)