Tôi tự hỏi: Bản thân mình có “khắt khe” quá không? Bởi nhu cầu làm đẹp, nhu cầu vươn lên bằng bạn bằng bè là điều mơ ước chính đáng của tuổi trẻ! Rồi các em lại trách móc kiểu: “Xưa kia ai cấm duyên bà/ Bây giờ bà già, bà cấm duyên tui”…
Nhưng sự đua đòi quá lố, bất chấp hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia dình, của bản thân các em làm tôi băn khoăn. Hầu hết học sinh (HS) (nhất là lứa tuổi trung học) và sinh viên (SV) xuất thân trong gia đình nông dân, viên chức, người lao động… Vì vậy, điều kiện kinh tế của gia đình các em cũng “thường thường bậc trung” chứ không phải có nhiều điều kiện như gia đình các doanh nghiệp. Cha mẹ là công nhân viên đi làm, ăn lương Nhà nước “ba cọc ba đồng” hoặc người nông dân lao động cần cù, buôn thúng bán bưng cũng đủ chi tiêu, đắp đổi hàng tháng…
Ngay từ thời học phổ thông, các em đã có những nhóm “tâm đầu ý hợp” trong học tập, sinh hoạt. Thấy bạn mình có chiếc điện thoại đời mới thì tỏ ra rất thích mặc dù cha mẹ cũng đã mua cho mình một chiếc thuộc loại thường… để nghe và gọi! Hoàn cảnh gia đình không cho phép em xài điện thoại “xịn” nên em đã dại dột lục ba lô, lấy cắp điện thoại của bạn trong một buổi học ngoài trời!
Nếu bạn nào không đáp ứng “chỉ tiêu” của nhóm như hàng hiệu, điện thoại, cặp sách, kể cả các loại mỹ phẩm thường dùng; sở thích ăn uống… thì tự động rời khỏi nhóm! Còn lại phải có “đủ bộ” cho giống nhau, nhất là lên học đại học…
Tôi từng chứng kiến một nữ sinh có mẹ ngày đi làm tạp vụ; tối về bán chuối nướng, hột vịt lộn… Nhưng khi lên đại học, em luôn đòi hỏi điện thoại này, quần áo kia… làm cho gia đình lắm phen đi vay mượn để đáp ứng nhu cầu học tập của con!
Các em không nghĩ rằng, tùy theo gia cảnh của mình; phải biết thương cha mẹ vất vả… Không ai cười mình luôn mặc vài ba chiếc áo thay đổi; người ta chỉ cười mình học thua kém bạn bè mà thôi!
Có lần, vô quán kem dừa, tôi gặp một học trò miền Tây dẫn bạn gái vào. Em kêu hai ly kem dừa (kem lạnh để trong trái dừa) khá ngon. Đến một lúc sau, bạn gái và em ra về, trả tiền thì tôi mới biết tổng cộng 36 ngàn (năm 2007) nên tôi ngỡ ngàng. Không phải vì ly kem mắc mà là bạn của em chỉ ăn một chút, chưa tới một phần ba đã bỏ! Giá lúa thời đó gần 5 ngàn một ký… Tôi tự nhiên đau lòng vì bạn em “ăn” chưa hết một ký lúa, còn hơn hai ký lúa của ba mẹ dãi dầu nắng mưa gửi lên thì bỏ dở!
Nhưng trong nhà trường (phổ thông lẫn đại học) ít khi nghe nhà trường khuyên HS, SV ăn mặc giản dị; đàng hoàng, sạch sẽ là được. Thiếu sự nhắc nhở, sự định hướng nên các em tha hồ “thể hiện mình” bằng những thứ bên ngoài (túi xách, laptop, điện thoại, áo quần…) mà ít “chăm sóc” phần kiến thức, phần tâm hồn bên trong…
Thiệt tình mà nói, tôi thấy rất thương những HS, SV nghèo ham học, biết vượt qua nghịch cảnh để học tập, rèn luyện, để có một nghề tương lai mà mình đang theo đuổi…
Lê Lam Hồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)