Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Dạy văn là dạy ngôn ngữ và văn học. Nhưng dạy ngôn ngữ và dạy văn học cũng đồng thời có thể dạy cho học sinh về các mặt khác. Vì vậy, nên tận dụng mọi khả năng để giáo dục đạo đức cho học sinh trong một bài văn…”. Những lời này có thể coi là sự dặn dò, nhắc nhở mà cũng là yêu cầu của bác Tô đối với những người dạy văn.
Một tiết dạy học môn ngữ văn tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Nói “Dạy văn là dạy ngôn ngữ và văn học” thì hiện nay chúng ta đã thực hiện được về mặt chương trình. Ở bậc tiểu học, học sinh được học tiếng Việt, tức là học về âm, từ, câu, đoạn và tập viết những bài văn ngắn. Ở bậc THCS và THPT, học sinh được học về cách viết các bài văn miêu tả, bình luận, phân tích hoặc cảm thụ một chi tiết, hình ảnh, đoạn trích của một tác phẩm nào đó. Như vậy, về mặt lý thuyết, học sinh được dạy những vốn ngôn ngữ cần thiết để biểu thị một văn bản, một tác phẩm viết dưới những hình thức nhất định. Chẳng hạn, các em được dạy để có thể tả về người mẹ của mình với những miêu tả về đặc điểm vóc dáng, tính tình, công việc…, cũng như những tình cảm của mẹ dành cho em và của em đối với mẹ, bằng hình thức miêu tả, bình luận… Một học sinh được dạy văn nghiêm túc và học văn nghiêm túc sẽ viết về mẹ bằng nhiều tính từ, với sự dạt dào tình cảm, có tính đặc sắc riêng chứ không phải là những câu văn theo kiểu công thức, chỉ cần thay đổi một số từ thì có thể dùng để miêu tả người khác. Nhưng trên thực tế, việc dạy và học văn nhìn ở góc độ này chưa đạt như mong muốn. Những bài văn mẫu là một tai hại cho việc học văn, bởi nó hạn chế khả năng sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ của học sinh. Rất nhiều học sinh chỉ dùng các câu, các từ lắp ghép từ các bài văn mẫu, các ý đã được gợi sẵn mà không hiểu hết được ý nghĩa của các câu, các từ đó cũng như vì sao có sự sắp xếp, bố cục đó. Thêm nữa, việc tả dối cũng ảnh hưởng không nhỏ. Đó là tả theo trí tưởng tượng, theo khuôn sáo chứ không theo thực tế, bởi người ta không chấp nhận một thực tế không hay, không đẹp. Thí dụ, khi viết một người cha, liệu giáo viên có cho điểm cao với một học sinh viết đúng về người cha say xỉn, cộc cằn, lười nhác của mình dù đó là thực tế mà hàng ngày em chứng kiến, hay đòi hỏi em “phải có” một người cha cương nghị, lo toan cho gia đình, thương yêu con cái? Chính hai yếu tố này đã khiến ngôn ngữ của trẻ không được phát triển tốt, không có sáng tạo đã đành, thậm chí chỉ nhại lại một cách nhàm chán.
Người giáo viên không chỉ tìm kiếm, lựa chọn, trích dẫn những tác phẩm phù hợp mà phải có kiến thức, nhận thức, tình cảm đúng đắn để dẫn dắt, khơi gợi học sinh đi theo một mạch hiểu biết, mạch cảm xúc phù hợp. |
Còn nói về việc dạy văn để lồng ghép dạy những vấn đề khác cũng là một đòi hỏi hết sức chính đáng. Gần nhất là về đạo đức, tư cách. Nhiều người đều thống nhất rằng “văn là người”, liệu có một học sinh lễ độ, từ tốn, nhân ái nếu văn của em có nhiều từ thô lỗ, nặng về bạo lực? Phải chăng người lớn chưa ý thức đầy đủ việc dạy văn là dạy làm người hay thực tế không có phương pháp dạy phù hợp? Một đề văn nhắc đến Ngọc Trinh, Bà Tưng liệu có đạt được mục đích giáo dục như một đề khác gợi mở cho học sinh nghĩ về câu thơ “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” của Tố Hữu? Nhìn ở góc độ này, văn học (thông qua việc dạy cho học sinh cảm thụ tác phẩm văn học) có tác dụng rất gần với âm nhạc, đó là làm con người biết rung động, biết yêu cái đẹp, biết ghét cái xấu, đặc biệt là biết cái nào là đẹp, cái nào là xấu.
Dạy văn còn để giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống. Một đề văn nêu cảm nghĩ về câu nói nổi tiếng của Bà Triệu “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!” hẳn sẽ gợi cho các em nhiều suy nghĩ về một giai đoạn hào hùng của lịch sử đất nước, về một nhân vật cang cường của dân tộc, về một khí khái của cha ông ta xưa. Hay giảng những tác phẩm viết về biển đảo không chỉ khơi gợi sự tìm hiểu về địa lý mà còn có tác dụng giáo dục nhận thức về biển đảo nói riêng và về việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ nói chung… Ở đây, học văn còn đồng thời học cả môn giáo dục công dân, bởi học văn góp phần xây dựng những con người có nhận thức, tình cảm, quan điểm thẩm mỹ phù hợp với chuẩn mực xã hội, tức là xây dựng được những công dân tốt…
Có lẽ rất nhiều người đồng ý rằng dạy văn là dạy làm người. Nhưng vì sao hiện nay có nhiều người chưa thể hiện được sự “làm người” của mình, khi mà đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, cái xấu cái tốt bị lẫn lộn? Phải chăng việc dạy văn trong nhà trường có gì đó chưa phù hợp hoặc chưa đúng, chưa hay? Dĩ nhiên, đổ lỗi tất cả cho việc dạy văn là không khách quan và không hợp lý nhưng rõ ràng việc dạy văn lâu nay phải ít nhiều có trách nhiệm với hiện trạng xã hội. Điều đó càng thúc đẩy ngành giáo dục thực sự nghiêm túc nhìn nhận lại mình, trong đó có việc dạy văn, để góp phần xây dựng xã hội, xây dựng con người Việt Nam ngày càng tốt hơn!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)