Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?: Hạn chế tác phẩm khô khan khó dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình ngữ văn THPT, phần văn học dân gian được phân bổ hợp lý về thời lượng, nhẹ nhàng về nội dung nên không có nhiều áp lực cho người học.

Theo nhiều giáo viên, sách giáo khoa ngữ văn mới không nên đưa vào những tác phẩm thiếu chất văn. Ảnh: T.L
Phần tiếng Việt rải theo 3 khối nên vừa sức người học và nội dung hay nên có thể để nguyên không cần thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, phần văn học Trung đại rải từ lớp 10 đến lớp 11, nhưng nghiêng về chương trình lớp 10 nên có nặng hơn chương trình lớp 11. Một số tác phẩm quá xa lạ, mang tính lịch sử nhiều hơn văn chương nên thiếu chất văn. Cụ thể, giáo viên thường than thở khi dạy bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích trong Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ). Mặc dù câu chuyện ca ngợi phẩm chất khảng khái, chính trực của các nho sĩ, trí thức mà tiêu biểu là Ngô Tử Văn chống lại những thế lực gian tà nhưng bối cảnh lịch sử quá xa lạ với hiện tại nên dạy bài này hầu như không để lại gì nhiều cho học sinh. Và người dạy cũng chưa thích thú lắm với tác phẩm Trung đại này. Vở kịch Vĩnh biệt Cửu trùng đài (Nguyễn Huy Tưởng) cũng rất khó dạy vì đây là tác phẩm kịch nên ngôn ngữ đối thoại là chủ yếu và lại rất xa lạ với cách diễn đạt của thời hiện đại.

Không cung cấp kiến thức tràn lan

Theo tôi, khi giảng dạy giáo viên phải biết vận dụng các phương pháp thật phù hợp. Không chỉ thuyết giảng mà tổ chức chia nhóm để thảo luận, trao đổi ý kiến và tự đánh giá theo chủ đề. Ví dụ, chủ đề Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (dành cho các tác phẩm thời kỳ chống Pháp), Giương cao ngọn cờ độc lập tự do dân tộcXẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (nhóm tác phẩm thời kỳ chống Mỹ cứu nước). Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống sơ đồ tư duy với nhiều hình thức phong phú đa dạng vừa để học sinh nhận dạng vừa dành không gian sáng tạo cho các em. Giáo viên không cung cấp kiến thức tràn lan mà cần tìm điểm nhấn, chọn dẫn chứng tiêu biểu xác thực để minh họa. Có như vậy bài dạy mới đi đúng trọng tâm và nhiều sức thuyết phục.

Chương trình lớp 10 có một số tác phẩm văn học nước ngoài như Uy-lít-xơ trở về (trích Ô-đi-xê, sử thi Hy Lạp), Ra-ma buộc tội (trích Ra-ma-ya-na, sử thi Ấn Độ) học sinh không thích vì có nhiều câu chuyện triết lý khó hiểu từ thời cổ đại nên thiếu sự đồng cảm với nhân vật. Bài Chiến thắng Mtao-Mxây dù trích trong trường ca nổi tiếng Đăm Săn (sử thi Tây Nguyên) nhưng cũng không hấp dẫn với người học. Mặt khác, đây là những tác phẩm văn học không phổ biến nên học sinh khó tìm đọc đầy đủ văn bản, chỉ nghe giáo viên giới thiệu sao thì biết vậy. Ngay cả giáo viên nhiều khi cũng không có tác phẩm để minh họa, vì thế những bài này người dạy và người học đều chán. Tuy nhiên, văn bản Lời tiễn dặn (trích Tiễn dặn người yêu – truyện thơ dân tộc Thái) lại rất hay và dễ dạy nhưng đáng tiếc đây chỉ là bài đọc thêm. Chỉ có cách cho học sinh xem một số trích đoạn hay hình ảnh về tác phẩm để minh họa bằng kênh hình mới gây tập trung cho người học. Tôi đã thể nghiệm cho các em xem trích đoạn Nàng Xi-ta (kịch chuyển thể từ truyền thuyết Ấn Độ) để minh họa cho bài học thì các em vô cùng hứng thú. (Có mắt thấy tai nghe các em mới nhớ được lâu tác phẩm văn học).

Trong khi đó, chương trình lớp 12 chủ yếu là văn học hiện đại nên gần gũi với cuộc sống hơn. Nhiều tác phẩm cần được giữ lại khi thay sách giáo khoa như Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Vợ nhặt (Kim Lân). Nếu được, theo tôi, cần có thể thêm một số tác phẩm mà độc giả từng yêu thích như Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp)… Đây là những tác phẩm mang tính thời sự sát thực tế cuộc sống, phản ánh đúng tâm trạng con người theo từng giai đoạn. Những tác phẩm này cũng đã được khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Một số tác phẩm thơ trước đây có đưa vào sách giáo khoa (Thơ duyên, Đây mùa thu tới – Xuân Diệu; Đất nước – Nguyễn Đình Thi, Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm), học sinh thích học nhưng nay lại đưa ra ngoài chương trình cũng là điều đáng tiếc. Khi chọn văn bản đưa vào chương trình người biên soạn sách nên hạn chế những tác phẩm khô khan, không tiêu biểu khó dạy do mang tính khẩu hiệu hô hào và thiếu chất văn…

Nguyễn Thị Hồng Loan
(Giáo viên Trường THPT Quang Trung
– Nguyễn Huệ, TP.HCM)

Bình luận (0)