Để kết thúc diễn đàn, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Phan Cẩm Vân (Phó Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – người luôn theo sát chương trình thay sách giáo khoa (SGK) năm 2018) về nội dung chương trình ngữ văn hiện hành cũng như thực trạng dạy học bộ môn này ở trường phổ thông.
Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 12 tại TP.HCM. Ảnh: Anh Khôi |
PV: Thưa bà, SGK ngữ văn trong hệ thống giáo dục phổ thông đã từng được thay đổi để phù hợp với đối tượng, trình độ và tình hình thực tế của xã hội. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dạy, hiện vẫn có những bất cập cần thay đổi. Vậy theo bà, đâu là những vướng mắc chính trong vấn đề này?
– PGS.TS Đinh Phan Cẩm Vân: Thay đổi SGK là thông lệ của bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới. Mỗi bộ sách chỉ phù hợp trong một thời gian nhất định; dài hay ngắn tùy vào tầm nhìn của tập thể biên soạn và chiến lược của ngành giáo dục. SGK hiện hành đã đáp ứng đúng yêu cầu của ngành giáo dục trong thời gian dài. Nay, định hướng giáo dục có những thay đổi, không đơn thuần truyền thụ kiến thức, do vậy không còn phù hợp. Nếu nói bộ SGK hiện hành có những bất cập gì, theo tôi đó là người biên soạn đã đưa vào một số tri thức khá chuyên sâu, không phù hợp với vốn liếng, khả năng nhận thức của học sinh. Bởi vì ai cũng biết SGK không nên quá hàn lâm, kiến thức có tính khép kín mà thiếu đi tính tương thông với cuộc sống hiện tại.
Hầu hết người dạy đều phản ánh một số tác phẩm đưa vào SGK hiện hành chưa tiêu biểu và đại diện cho mỗi tác giả, dòng văn học, tiếng nói của thời đại. Nhiều tác phẩm lớp trên học lại lớp dưới không cần thiết dễ gây nhàm chán cho người học. Không biết những ý kiến trên có đúng không, thưa bà?
– Với mục đích truyền thụ kiến thức cho người học, việc lựa chọn tác giả, tác phẩm như vậy là bài bản. Trường hợp một tác phẩm được học ở nhiều khối lớp, chẳng hạn Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, mỗi khối lớp đều có mục đích, yêu cầu riêng. Nếu người thầy biết khai thác thì không bao giờ trùng lặp, nhàm chán cả.
Thường hướng dẫn sinh viên sư phạm đi kiến tập và thực tập, bà đã lắng nghe được những ý kiến gì về nội dung, chất lượng tác phẩm trong SGK từ người dạy ở cơ sở? – Nhìn chung giáo viên phổ thông, sinh viên sư phạm thực tập tư duy phản biện không cao. Họ làm việc với tinh thần tuân thủ. Những băn khoăn, bối rối thường là về kiến thức. Có những nội dung giáo viên không hiểu thấu đáo, những câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu không sáng rõ còn rườm rà. Nội dung SGK khá tinh tuyển nhưng đã mòn cũ, hoặc nhiều tác phẩm buồn, ít tác phẩm vui… |
Ở phần văn học Trung đại hiện có nhiều ý kiến khác nhau như: thể loại tác phẩm xa lạ, nội dung không phù hợp, thiên về giáo dục lòng yêu nước và chống giặc ngoại xâm… Cho nên đây là phần được nhiều người dạy yêu cầu đưa lên lớp trên hay cắt giảm bớt.
– Việc đưa văn học Trung đại vào chương trình ngay từ các lớp THCS quả là có những khó khăn nhất định cho thầy và trò. Văn học Trung đại gắn với các vấn đề văn hóa, tư tưởng của một hình thái xã hội đã qua. Chương trình ngữ văn THCS, THPT được soạn theo tiến trình thời gian, tất yếu sẽ là như thế. Tăng hay giảm giai đoạn văn học nào phải trong cái nhìn tổng thể và căn cứ vào yêu cầu phát triển năng lực của học sinh phổ thông, không thể cảm tính. Yêu nước là nội dung quan trọng của mỗi nền văn học, có điều, biết truyền đạt bằng cách nào ở từng lứa tuổi sẽ hiệu quả nhất, thấm thía nhất. Người dạy có một phần quyết định trong đó.
“Nếu nói bộ SGK hiện hành có những bất cập gì, theo tôi đó là người biên soạn đã đưa vào một số tri thức khá chuyên sâu, không phù hợp với vốn liếng, khả năng nhận thức của học sinh”, PGS.TS Đinh Phan Cẩm Vân nói. |
Trong chương trình, các tác phẩm văn học đương đại vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp nên có ý kiến phải tăng tác phẩm và thời lượng. Nội dung chính vẫn thiên về giáo dục truyền thống yêu nước mà ít tác phẩm đề cập đến giáo dục đạo đức, tình cảm gia đình, kỹ năng sống… cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Ý kiến của bà như thế nào?
– Chúng ta đang sống trong thời hiện đại nên phải hiểu biết sâu hơn, nhiều hơn về thời đại mình đang sống. Những tác phẩm văn học đương đại sẽ nêu được những vấn đề gần gũi hơn, phù hợp hơn. Tỷ lệ tác phẩm hiện đại cao hơn tác phẩm Trung đại đang là xu hướng được nhiều tác giả ủng hộ trong chương trình SGK 2018. Một tác phẩm văn học có thể khai thác nhiều phương diện, không nhất thiết chỉ có nội dung yêu nước hay các vấn đề chính trị khác.
Từ những định hướng cơ bản về chương trình thay SGK năm 2018 của Bộ GD-ĐT, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có những đề xuất gì cho chương trình thay SGK đạt hiệu quả, thưa bà?
– Khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có ý thức rất sớm và rất rõ về vai trò, nhiệm vụ trong chương trình đổi mới SGK năm 2018 của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, năm 2014, khoa đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”. Sắp tới khoa sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo cấp quốc gia “Nghiên cứu và dạy học ngữ văn từ truyền thống đến hiện đại”. Ngoài ra, nhiều cán bộ trong khoa tham gia các chương trình tập huấn của bộ, của NXB Giáo dục Việt Nam chuẩn bị biên soạn SGK mới.
Xin cảm ơn bà!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)