Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?: Không lặp lại những tác phẩm đã học

Tạp Chí Giáo Dục

Xung quanh những hạn chế, bất cập trong nội dung chương trình ngữ văn hiện nay, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với cô Phạm Thị Thúy Nhài (Phó Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Tân Bình, TP.HCM), từng là giáo viên giỏi văn cấp thành phố nhiều năm liền.

Cô Phạm Thị Thúy Nhài

PV: Thưa cô, có ý kiến cho rằng chương trình ngữ văn hiện nay còn nặng về giáo huấn, ít chất văn. Điều đó đúng hay sai, tại sao lại như vậy?

– Cô Phạm Thị Thúy Nhài: Đúng vậy. Theo tôi, chương trình ngữ văn hiện nay bên cạnh những tác phẩm hay, hấp dẫn được đưa vào giảng dạy phù hợp vẫn còn một số bài coi trọng về giáo huấn, vì thế chất văn còn rất khiêm tốn, nhất là phần Văn học Trung đại. Nhưng cũng cần nói rõ thêm, vấn đề về sự hấp dẫn của việc học môn văn còn nằm ở cách giảng dạy và hướng dẫn học sinh của người giáo viên. Nếu tiếp tục dạy văn theo hình thức nhồi nhét, áp đặt, nặng tính hàn lâm, ít gắn với cuộc sống thì chắc chắn dù chương trình có thay đổi, môn văn vẫn không thể tăng được tính hấp dẫn với học sinh.

Không chỉ thiên về giáo dục đạo đức, nhiều bài văn còn tập trung vào chủ đề yêu nước, chống giặc ngoại xâm, đặc sệt tư tưởng chính trị. Có phải do hoàn cảnh xã hội bây giờ đã khác nên không còn phù hợp nữa, thưa cô?

– Tôi đề nghị nên đa dạng hóa chương trình SGK ngữ văn, bên cạnh các tác phẩm có tính chất giáo dục đạo đức, chủ đề yêu nước, chống giặc ngoại xâm, lòng tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm… vẫn cần thiết, thì cần bổ sung thêm các tác phẩm đương đại, mang hơi thở của thời đại, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, và bớt đi tính chất chính trị trong việc giảng dạy môn văn.

Nếu tiếp tục dạy văn theo hình thức nhồi nhét, áp đặt, nặng tính hàn lâm, ít gắn với cuộc sống thì chắc chắn dù chương trình có thay đổi, môn văn vẫn không thể tăng được tính hấp dẫn với học sinh.

Thưa cô, có phải phần Văn học cổ xa lạ với học sinh, nhất là các thể loại phú, hịch, cáo, văn tế đưa vào quá nhiều trong chương trình gây nhàm chán cho người học?

– Phần Văn học cổ là tinh hoa văn hóa của dân tộc vẫn cần đưa vào giảng dạy nhưng số lượng nên ít hơn, tinh gọn lại tránh gây cảm giác nặng nề.

Một số tác phẩm đã học ở chương trình lớp dưới, lên lớp trên các em được học lại, như vậy có tạo sự nhàm chán cho người học?

– Thực tế có hiện tượng này tuy không phải là phổ biến, nhưng nên tránh lặp các tác phẩm của lớp dưới khi học ở các lớp trên vì học sinh dễ bị nhàm chán. Chúng ta thiếu gì tác phẩm khác hay có giá trị để thẩm định đưa vào chương trình.

Một số tác phẩm đặc sắc giàu chất văn nhưng tính nghệ thuật cao, chẳng hạn như: Đàn ghi-ta của Lorca, bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, tùy bút Người lái đò sông Đà… (chương trình lớp 12) khiến cho người học khó tiếp thu. Đúng như thế không, thưa cô? 

– Đúng vậy. Đây là những tác phẩm hay vì thế vẫn nên đưa vào dạy, bởi các tác phẩm này giàu chất văn và tính nghệ thuật cao. Những tác phẩm này giúp nâng cao khả năng cảm thụ văn học của học sinh, đem lại những cảm xúc mới mẻ và những giá trị thẩm mỹ cao đẹp cho người học. Tuy nhiên, điều quan trọng để học sinh tiếp nhận tốt vẫn là cách giảng dạy như thế nào và sự hướng dẫn tổ chức học tập ra sao của giáo viên với học sinh.

Một số tác phẩm hay nhưng các đoạn trích đưa vào giảng dạy lại không tiêu biểu, học sinh không được đọc trọn vẹn tác phẩm và còn theo ý chủ quan của người biên soạn nên rất khó có hiệu quả trong quá trình giảng dạy?

– Có nhiều hiện tượng như vậy khi dạy ở các khối lớp. Tôi chỉ lấy đơn cử như đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, vì nó không đại diện cho tiếng nói của nhà văn và toàn bộ chủ đề của tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Phải chọn những “lát cắt” tiêu biểu, đặc trưng nhất của văn bản thì khi học các em mới hình dung được diện mạo của toàn bộ tác phẩm và chủ đích sáng tạo của nhà văn.

Nhiều người đề nghị hạn chế những tác phẩm tuyên truyền chính trị mà nên thêm vào những tác phẩm về đạo đức gia đình, lối sống xã hội, tình yêu nam nữ… Cô nghĩ sao về điều này?

– Đây cũng là ý kiến nên bàn kỹ. Ví dụ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã có bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) thì không nên đưa bài Việt Bắc (Tố Hữu) vào hoặc ngược lại. Có Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) trong thời kỳ chống Mỹ rồi thì không nên đưa thêm tác phẩm Những đứa con trong gia đình  (Nguyễn Thi) vào nữa. Các tác phẩm Thơ mới (văn học lãng mạn 1930-1945), truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao), Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)… được nhiều thế hệ học sinh yêu thích thì nên giữ lại.

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

Bình luận (0)