Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?: Nên giảm bớt phần Văn học Trung đại

Tạp Chí Giáo Dục

Theo đánh giá, các thể loại văn học cổ học sinh rất khó tiếp thu vì không hấp dẫn. Ảnh: Anh Khôi

Hầu hết giáo viên giảng dạy môn ngữ văn đều khẳng định không thích dạy phần Văn học Trung đại vì chương trình còn nặng. Các thể loại văn học cổ như hịch, cáo, phú, chiếu, tế…, các em học sinh học để biết chứ rất khó tiếp thu vì thiếu hấp dẫn. Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy rất hay nhưng lại không gần với học sinh nên vẫn có khoảng cách với cuộc sống hiện tại. Từ đó, các em làm bài không có hứng thú và điểm số thường thấp.

Do đó, tôi đề nghị nên giảm bớt phần Văn học Trung đại nhất là những tác phẩm khó hiểu mang tính hành chính sự vụ nhiều. Nếu cần thiết thì đưa vào chương trình tự học có hướng dẫn. Ngược lại, thơ hiện đại học sinh lại thích hơn vì gần gũi với cuộc sống hiện tại nhất là tác phẩm đề cao tình cảm gia đình. Khi đã yêu thích thì các em rất hứng thú trong làm bài và thường có kết quả cao. Văn xuôi hiện đại còn là bài học giáo dục tốt về tinh thần cống hiến, khiêm tốn và những phẩm chất khác của con người mới nên dễ tích hợp với nghị luận xã hội. Chính vì thế trong những năm gần đây đề thi tuyển vào lớp 10 THPT thường chọn những tác phẩm văn học hiện đại chứ không ra các tác phẩm văn học Trung đại. Đây là định hướng của người ra đề. Tương tự, phần Văn học dân gian hay, phù hợp với suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng người đọc nên cần duy trì. Đây là cái gốc truyền thống không thể bỏ được nhất là những câu tục ngữ, các bài ca dao dễ nhớ, dễ thuộc và lại có tác dụng giáo dục cao không cần phải nhiều lời. Do cách nhìn của phụ huynh nên các em học sinh vẫn học lệch, coi trọng các môn khoa học tự nhiên hơn khoa học xã hội. Chỉ có một số em có năng khiếu, chăm chỉ học thì mới thật sự yêu thích bộ môn này. Nếu chương trình không hay, giáo viên dạy không thuyết phục thì các em sẽ xa rời bộ môn này thêm. 

Tóm lại, qua những ý kiến trên, tôi đề nghị cắt giảm bớt phần Văn học Trung đại, giữ nguyên phần Văn học dân gian. Riêng phần Văn học hiện đại thì bổ sung thêm những tác phẩm sau này. Dù chương trình có thay đổi như thế nào thì cũng phải phù hợp với đối tượng, vận dụng được các phương pháp giảng dạy và liên hệ với đời sống thực tiễn.

Hoàng Thị Kim Oanh
(Trưởng bộ môn ngữ văn
Trường THCS Gò Vấp, TP.HCM)

Bình luận (0)