Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông (UTGT) giai đoạn 2019-2021. Trong đó, chú trọng kéo giảm số thương vong do TNGT mỗi năm từ 5% đến 10%, không để xảy ra các vụ UTGT kéo dài trên 30 phút, đưa giáo dục ATGT vào giờ học chính khóa của học sinh.
Chính phủ chỉ đạo đưa giáo dục ATGT vào chương trình học chính khóa trong giai đoạn 2019-2021
Kéo giảm thương vong do TNGT từ 5% đến 10%
Trong nội dung Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống UTGT giai đoạn 2019-2021 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục UTGT tại Hà Nội và TP.HCM, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã đạt được những kết quả quan trọng.
Để tiếp tục kéo giảm TNGT trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự ATGT và chống UTGT. Trong đó chú trọng kéo giảm số thương vong do TNGT mỗi năm từ 5% đến 10%, khắc phục tình trạng UTGT trên các trục giao thông chính tại Hà Nội, TP.HCM và các khu đô thị lớn trong toàn quốc. Đặc biệt các địa phương cần nỗ lực không để xảy ra các vụ UTGT kéo dài trên 30 phút. Với cương vị là đơn vị đầu tàu, Bộ GTVT được Chính phủ giao trọng trách xây dựng và trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định pháp luật có liên quan đến trật tự ATGT và chống UTGT; khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch toàn ngành và các quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực GTVT. Đồng thời Bộ GTVT cũng sẽ lập và triển khai thực hiện các đề án, dự án bảo đảm trật tự ATGT cho tất cả các lĩnh vực; tập trung nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện và người điều khiển phương tiện; xử lý dứt điểm các điểm đen tiềm ẩn nguyên nhân gây TNGT trên quốc lộ vào năm 2020; giảm tối thiểu 30% lối đi tự mở ngang qua đường sắt vào năm 2021; khẩn trương sửa chữa, bảo đảm an toàn đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất…
Đưa ATGT vào giờ học chính khóa
Theo chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 12/NQ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và văn hóa giao thông vào trong chương trình học chính khóa. Theo đó, các giờ học về ATGT sẽ được tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ bậc mầm non đến THPT. Cụ thể, kiến thức giáo dục về văn hóa giao thông sẽ được triển khai trong chương trình giáo dục mầm non; riêng đối với học sinh các lớp đầu cấp tăng thêm thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế, đảm bảo thời lượng tối thiểu 5 tiết/học kỳ; đối với học sinh các khối lớp khác phải đảm bảo thời lượng 3 tiết/ học kỳ. Bên cạnh đó, ngành giáo dục còn thực hiện lồng ghép kiến thức về giáo dục pháp luật ATGT, văn hóa giao thông và kỹ năng tham gia giao thông với các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên; hướng dẫn thực hành quy tắc ATGT đối với học sinh từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông và xây dựng tài liệu hướng dẫn, vận động cha mẹ học sinh tham gia.
Theo Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông (UTGT) giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ngay sau khi Quốc hội thông qua; sửa đổi bổ sung và ban hành quy định bắt buộc về kiểm tra nồng độ cồn, các chất kích thích thần kinh trong máu đối với tất cả người bị TNGT vào cấp cứu, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế còn lập đề án tăng cường năng lực hoạt động cấp cứu TNGT cho hệ thống cấp cứu 115 và bệnh viện đa khoa cấp huyện trên toàn quốc, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân trong thời gian dưới 30 phút sau khi nhận thông tin yêu cầu cấp cứu. |
Không chỉ chú trọng giáo dục ATGT cho học sinh các bậc học, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự ATGT; hàng tháng đưa nội dung tuyên truyền về trật tự ATGT vào các cuộc họp giao ban báo chí ở Trung ương và địa phương; tổ chức hội thi thông tin lưu động tuyên truyền về ATGT; lập đề án tuyên truyền ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề án tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống tác hại của rượu bia với phương châm “Đã uống rượu bia, không lái xe”.
Đinh Vũ
Bình luận (0)