Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đưa giáo dục ATGT vào học đường: Chuyển biến tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

Cổng trường THCS Trần Phú (quận 10) đã thông thoáng hơn trước
Chương trình đưa giáo dục ATGT vào học đường tại TP.HCM được triển khai từ ngày khai giảng. Cho đến thời điểm này, thực tế đã có sự biến chuyển tích cực. Các cổng trường trật tự và thông thoáng là sự đổi thay đáng mừng.
Thành quả từ sự hợp tác
Trong ngày lễ khai giảng đầu năm học này, tất cả các trường đều tổ chức triển khai công tác đưa ATGT vào học đường một cách đồng bộ. Tuy nhiên, nội dung về ATGT không chỉ tuyên truyền chú trọng đến học sinh, mà còn tác động đều khắp đến cán bộ, công nhân viên nhà trường, phụ huynh và cả nhân viên bãi giữ xe.
Sự phối hợp này đang dần bộc lộ một hiệu ứng tích cực. Điều này được chứng minh bằng hình  ảnh trật tự ATGT trước cổng trường được cải thiện đáng kể. Theo quan sát của chúng tôi vào những giờ tan trường, việc ùn tắc thường xuyên xảy ra ở cổng trường THCS Trần Phú trên đường Cửu Long (quận 10) hầu như đã được cải thiện. Ông Hoàng, một phụ huynh khi đang chờ đón con trước cổng trường nói rằng mấy tuần nay học sinh tan học trong trật tự, còn phụ huynh cũng cố gắng chờ đón học sinh ở hai lề đường dọc theo đường Cửu Long và Châu Thới, không đậu xe tràn lan ra đường nên không còn ùn tắc như trước đây nữa.
Có ưu thế về khoảnh sân rộng nên các phụ huynh khi đến đón con ở Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3) được nhà trường mở cổng để họ vào hết bên trong sân chờ đón con tan học. Hay như ở Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) phụ huynh thậm chí được vào trong sân và vào tới lớp để đón học sinh tan trường về.
So với các trường khác thì Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) mới thật là “khó xử” vì trường không có khoảnh sân chung để mở cửa cho phụ huynh vào chờ con em như các trường khác. Trong hoàn cảnh này, các phụ huynh đã có sáng kiến đậu xe thành hai hàng đôi một trong khi chờ con. Chị bé Sáu, một phụ huynh khi đón con trai học Trường Cầu Kiệu đi học về, tới ngã tư gần trường, chị dừng xe chờ đèn đỏ và chừa lề phải cho những người muốn quẹo phải một cách chỉn chu. Chị giải thích: “Muốn dạy con thì phải làm gương cho con. Không thể nào ở trường dạy con mình rằng khi đèn đỏ thì phải chờ, khi đèn xanh bật thì mới được lưu thông mà chưa gì mình lại chạy tuốt luốt khi đèn xanh chưa bật. Tôi nghĩ phụ huynh cần hợp tác với nhà trường để rèn dạy con cái như thế mới có hiệu quả tốt”.
Bên cạnh việc phụ huynh chấp hành tốt việc gìn giữ an ninh, trật tự trước cổng trường, thì việc bán hàng rong trước cổng trường như trước đây hầu như không còn. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là việc học sinh đi xe máy hầu như vẫn còn nhiều ở các trường THPT. Các bãi giữ xe trong trường học vẫn còn xuất hiện nhiều xe máy phân khối lớn do học sinh gửi.
Kỳ vọng vào một chương trình dài hơi
Theo chuyên viên phụ trách công tác học sinh, sinh viên thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, từ năm 2013, với sự chỉ đạo của Ủy ban ATGT TP, đặc biệt là Ban ATGT TP, “Tháng ATGT” đã được thay thế bằng “Năm ATGT” với mục đích góp phần chấn chỉnh tình hình trật tự ATGT học đường có hiệu quả hơn, hầu xây dựng ý thức về ATGT cho học sinh, sinh viên tốt hơn. 
Cũng theo chuyên viên này, việc chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn thông qua công tác tuyên truyền là chính bằng hình thức triển khai kế hoạch đầu năm. Việc tuyên truyền diễn ra vào lễ khai giảng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng triển khai ngay với phụ huynh vào dịp họp phụ huynh đầu năm và tổ chức cam kết theo yêu cầu của Bộ Giáo dục hàng năm, theo hình thức cho học sinh ký cam kết và phụ huynh cũng ký cam kết với nhà trường.
Chuyên viên này kể lại rằng, vào năm 2012, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) TP.HCM ra quân ở các cổng trường, khi phát hiện những trường hợp học sinh lưu thông bằng xe máy phân khối lớn đều lập biên bản xử phạt, thì nhà xe ở các trường đó giảm về lượng xe máy được gửi.
Do đó, trong năm học 2014-2015 này, việc chấn chỉnh bãi giữ xe trong trường học sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn bằng việc thành lập đoàn kiểm tra với sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT, Phòng CSGT ĐB-ĐS TP.HCM và Sở GTVT TP.HCM để kiểm tra các bãi giữ xe học đường. Đoàn kiểm tra này sẽ đến và làm việc với các nhà xe ở các đơn vị trường học. Theo quy định của đoàn, ban giám hiệu nhà trường phải có trách nhiệm nhắc nhở, phê bình nhà xe, thậm chí cắt hợp đồng với nhà xe đó nếu cố tình giữ xe máy phân khối lớn cho học sinh trái với quy định.
Đối với việc chấn chỉnh trật tự, ATGT trước cổng trường, Sở GD-ĐT đã ký một thông tư liên tịch với Công an TP vào năm 2011 là “quy chế phối hợp 2257”. Theo quy chế này tất cả các trường trên địa bàn TP buộc phải ký một văn bản liên tịch với công an địa phương trên địa bàn sở tại về vấn đề giao thông. Theo đó, công an địa phương phối hợp với nhà trường bằng cách cử dân phòng, lực lượng công an đến hỗ trợ nhà trường trong việc hướng dẫn phụ huynh đứng chờ con em ở vị trí phù hợp trên vỉa hè hoặc là mở cổng trường cho phụ huynh vào đón học sinh. Nếu đơn vị trường học nào không mở cổng cho phụ huynh vào thì nhà trường phải chịu trách nhiệm với Sở GD-ĐT, thậm chí đơn vị trường đó sẽ bị cắt thi đua khi bị phát hiện sự việc trên.
Bài, ảnh: Bích Vân
Một cách làm hay
Theo nhận xét của chuyên viên phụ trách công tác học sinh, sinh viên Trường Lương Định Của (quận 3) mặc dù có khoảnh sân rất nhỏ nhưng đã làm rất tốt việc gìn giữ trật tự ATGT học đường bằng việc mở cửa cho phụ huynh vào chờ đón học sinh theo hướng phân luồng một chiều đi vô, một chiều đi ra. Các trường tiểu học Trần Bình Trọng, Chính Nghĩa (quận 5) cũng thực hiện theo phương pháp trên. Điều đó cho thấy những đơn vị trường chủ động phối hợp tốt với địa phương thì tình hình trật tự ATGT trước cổng trường đều an toàn và thông thoáng. 
 
 

Bình luận (0)