Là một công nghệ hữu ích trong quản lý, lưu trữ, xử lý, tích hợp dữ liệu đô thị có tọa độ với các dạng dữ liệu khác nhau, một số địa phương trên địa bàn TP.HCM đã, đang xây dựng và sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị đô thị; tạo môi trường tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.
Hình ảnh kết quả người dân tra cứu, tìm kiếm thông tin trên WEBGIS (hình UBND quận 1)
Nâng cao hiệu quả quản lý
Với ứng dụng “Hệ thống thông tin địa lý (WEBGIS) quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực” mà UBND quận 1 vừa ra mắt, người dân không phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể tra cứu thông tin trước khi đăng ký kinh doanh. Qua địa chỉ https://gis.quan1hcm.gov.vn, sau khi quét ô phố hình tròn theo bán kính tùy chọn, người dân sẽ có cái nhìn tổng thể, khách quan về số lượng hộ kinh doanh hiện có trong ô phố đang dự kiến kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, các cơ quan Nhà nước, trường học, cơ sở y tế đang trú đóng trong ô phố đã chọn. Từ kết quả có thể quyết định đầu tư, thành lập hộ kinh doanh tại địa điểm phù hợp, hiệu quả.
Theo UBND quận 1, người dân khi muốn kinh doanh phải thực hiện các thủ tục hành chính như giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, mã số thuế, các loại giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Mặc dù tất cả các thủ tục hành chính đều ở cấp độ 3, cấp độ 4 và nền tảng cơ bản dữ liệu đã được số hóa nhưng do một số thông tin dữ liệu của các cơ quan quản lý chưa kết nối liên thông nên tiến độ giải quyết hồ sơ chưa đạt như mong muốn.
Ông Nguyễn Duy An – Phó Chủ tịch UBND quận 1 – cho hay: “Giải pháp ứng dụng WEBGIS giúp kết nối các dữ liệu thành kho dữ liệu dùng chung, từ đó giúp các phòng, ban khai thác, đối chiếu xác minh mà không cần người dân thực hiện thêm thủ tục nào. WEBGIS không chỉ giúp người dân tra cứu thông tin, đăng ký hộ kinh doanh dễ dàng mà còn giúp quản lý Nhà nước hiệu quả và thực hiện thủ tục cho người dân được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí”.
Sử dụng WEBGIS, người dân chỉ được tìm kiếm thông tin, tra cứu, không được quyền chỉnh sửa, cập nhật. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, dữ liệu luôn đáp ứng 4 tiêu chí “sống, sạch, đúng, đủ”.
TP.Thủ Đức hiện đang dự thảo đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP.Thủ Đức” với mục tiêu phát triển hệ sinh thái số gồm 3 trụ cột chính: Hệ thống kho dữ liệu dùng chung; hệ thống thông tin tác nghiệp địa lý; hệ sinh thái dữ liệu mở.
3 trụ cột này tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác như y tế, kinh tế, tư pháp, lao động thương binh, xã hội, GD-ĐT, tôn giáo… trên địa bàn.
Ngoài ra, hệ thống dữ liệu này sẽ dùng chung cho các phòng, ban chuyên môn nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ thân thiện, thông tin nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống còn có sự tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu đối với các sở, ban, ngành chuyên môn.
Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh – Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, UBND TP.Thủ Đức – chia sẻ, hiện nay dữ liệu lưu trữ rời rạc, phân tán, thiếu khả năng kết nối, chia sẻ. Các phần mềm ứng dụng đa số được triển khai thực hiện, quản lý nghiệp vụ theo ngành dọc, dữ liệu độc lập. Mặt khác, kiến trúc, công nghệ, tiêu chuẩn cho các hệ thống ứng dụng, dữ liệu và hạ tầng nền tảng chưa được đồng bộ, kết nối, liên thông. Thực tế này đòi hỏi cần thiết phải xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung cho TP.Thủ Đức nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, cung cấp thông tin nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp…
Lấy người dân làm trung tâm
Ứng dụng WEBGIS hay đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP.Thủ Đức” mà quận 1, TP.Thủ Đức đã và đang làm là những giải pháp cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số của TP.HCM và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh năm 2022.
Đánh giá ứng dụng WEBGIS, ông Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – cho rằng, giải pháp này minh chứng cho sự quyết tâm chuyển đổi số của địa phương. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh tại TP.HCM; đồng thời cũng là giải pháp triển khai kế hoạch thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công giai đoạn 2022-2025, với động lực chính là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công, cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Giải pháp của TP.Thủ Đức được nhiều nhà quản lý đánh giá cao bởi với quy mô dân số hơn 1 triệu dân, yêu cầu lãnh đạo, quản lý Nhà nước phục vụ cho người dân, trong đó sử dụng các công nghệ về GIS là rất cần thiết.
Để đề án hoàn chỉnh và hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam – Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel – góp ý, khi xây dựng Thủ Đức cần bám sát dữ liệu chiến lược của TP.HCM với mục tiêu đến 2025 hoàn thành cơ sở dữ liệu con người, đất đai, y tế, giáo dục… Đồng bộ các dữ liệu này lên không gian địa lý, trong đó tập trung đột phá vào hai nhóm là con người và đất đai. Nên làm từ những dữ liệu nhỏ, những cái có sẵn và phải lấy người dân làm trung tâm phục vụ những gì, vì mục đích gì.
Tiến sĩ Bùi Hồng Sơn – từng làm Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM – cũng cho rằng, dữ liệu không gian địa lý đang rời rạc, mỗi sở, mỗi nơi mỗi kiểu, trong khi đó TP.HCM đang có chiến lược quy tụ các nhóm dữ liệu để cùng khai thác, sử dụng chung. Vì vậy, Thủ Đức cần thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành đối với kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM. Rà soát lại xem nơi nào khác với cấp dữ liệu nào, cần dữ liệu nào, từ đó mạnh dạn đẩy mạnh số hóa dữ liệu đó và xây dựng những cơ chế chia sẻ dùng chung từ các sở, ban ngành để phục vụ cho Thủ Đức. Đồng thời, chủ động xây dựng dữ liệu riêng để phục vụ cho quản lý đô thị, phát triển kinh tế xã hội của riêng Thủ Đức.
“Trong bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh, Thủ Đức nên chọn công nghệ phù hợp để phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp và quan trọng là lan tỏa để cùng nhau khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu”, ông Sơn góp ý thêm.
Minh Phương
Bình luận (0)