Kinh tế - Giáo dục

Đưa hàng hóa vùng ĐBSCL vươn tới thị trường trong và ngoài nước

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-9-2024, tại TP.Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu gồm lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics…

Đoàn chủ trì hội nghị

Theo thống kê của Bộ Công thương, có nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm… phần lớn đến từ ĐBSCL. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL là 7,6 triệu tấn. Đến nay, vùng ĐBSCL đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng, ĐBSCL là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL đạt 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 6,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. 3 địa phương có kim ngạch tỷ USD lần lượt là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu kết luận hội nghị

Vùng ĐBSCL nhập khẩu hàng hóa đạt 6,48 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. 2 địa phương có kim ngạch nhập khẩu tỷ USD của vùng là Long An và Tiền Giang.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế của ĐBSCL chỉ chiếm hơn 12% so cả nước; tăng trưởng kinh tế một số địa phương còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động liên kết vùng chưa đi vào chiều sâu; một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm…

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương: Để ĐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững…

Ngoài ý kiến trên, tại hội nghị, đại diện các địa phương và doanh nghiệp (DN) đã tập trung trao đổi, phân tích, và kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường các mặt mạnh, giảm thiểu các mặt yếu nội tại của vùng, góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh hơn trong thời gian tới.

Đại biểu đóng góp ý kiến

Trong các giải pháp, theo nhiều đại biểu, ngoài việc Chính phủ cần tiếp tục đầu tư cho hạ tầng cơ sở; ĐBSCL cần đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng; Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng. Các DN cần đẩy mạnh chuyển đổi số và liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng; Phát triển dịch vụ logistics và có chính sách thu hút sự tham gia phối hợp của các DN đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng. Tăng cường các hoạt động kết nối thông tin giữa các tỉnh trong vùng, đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các thành viên trong vùng nhằm hỗ trợ, khắc phục khó khăn hạn chế, phát huy được các thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu (kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị thường, tìm kiếm đối tác, tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá…).

Xây dựng cơ chế hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo giữa các tỉnh. Đồng thời, chia sẻ hình thành vùng nguyên liệu chính ở mỗi địa phương và liên kết, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm là thế mạnh của mỗi địa phương.

Đại biểu tìm hiểu các mặt hàng xuất khẩu của ĐBSCL

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đồng tình với những giải pháp và kiến nghị của các đại biểu. Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ những chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN, kết hợp kêu gọi đầu tư, tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại cho các địa phương và DN.

“Về phía các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư và xây dựng vùng trồng các đặc sản để bảo đảm cung ứng nguồn hàng cho xuất khẩu. Xây dựng cơ chế hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo giữa các tỉnh. Đồng thời hình thành vùng nguyên liệu chính ở mỗi địa phương và liên kết, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm là thế mạnh của mỗi địa phương; hợp tác để xây dựng thương hiệu chung cho các đặc sản của vùng…

Tôi đề nghị các đơn vị liên quan của bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường thực hiện những biện pháp nhằm tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang vướng mắc đối với hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, trước mắt, Bộ Công thương sẽ triển khai hoạt động kết nối DN và sản phẩm của DN (đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản) tới đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Tăng cường công tác theo dõi tình hình tại các cửa khẩu, kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là hoa quả, nông sản để chủ động, nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết hàng hóa và phương tiện” – bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)