Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đưa hàng tết giảm giá đến với công nhân, sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

“100% hàng thiết yếu phải là hàng sạch, có nguồn gốc xuất xứ” – đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp với các sở, ngành chức năng về việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường 2016 và kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn TPHCM, chiều 13-10.

Sở Công thương TPHCM cần có kế hoạch mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng nông sản sạch đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong dịp tết.

Sản xuất bánh cung ứng hàng tết tại Công ty Phạm Nguyên. Ảnh: CAO THĂNG

Hàng tết tăng 15% – 20% so với kế hoạch

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay cách nhau gần 1 tháng, thời gian nghỉ tết dài ngày, do vậy nhu cầu mua sắm tết sẽ tăng đột biến ngay sau Tết Dương lịch. Qua công tác khảo sát thị trường, kiểm tra các DN về khả năng cung ứng nguồn hàng chuẩn bị tết cho thấy, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng… Dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường (BOTT), an sinh xã hội.

Theo kế hoạch, lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị tăng 15% – 20% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 25% – 45% so với kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Đinh Dậu 2017 là hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là gần 7.000 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối 35% – 52% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)…

Về các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay cung ứng nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập, sản lượng tăng 10% – 20%.

Hiện Sở Công thương TP đã làm việc với các DN, nhà phân phối về việc phối hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm. Trong tháng cận tết, các DN đã đăng ký và sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo… Tổng giá trị khuyến mãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Riêng DN BOTT cùng các hệ thống phân phối xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng bình ổn các ngày cận tết.

Cụ thể, giá trứng gia cầm sẽ giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/chục 2 ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5% – 10% 1 tháng trước tết; giá thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5% – 7% vào 2 tuần trước tết; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15% – 20%.

Chế biến thực phẩm cung ứng hàng Tết tại Công ty APT. Ảnh: CAO THĂNG

Chú trọng thực phẩm sạch

Nhìn nhận về công tác chuẩn bị hàng tết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, do nhu cầu sử dụng hàng hóa trong dịp tết là rất lớn, nên công tác chuẩn bị và dự báo tình hình cung – cầu, giá cả là rất quan trọng. UBND TPHCM cơ bản thống nhất về dự thảo chuẩn bị hàng hóa tết của Sở Công thương.

Về giá bán, các DN bình ổn không cần thực hiện giảm giá bán vào những ngày cận tết. Điều quan trọng là phải triển khai công tác phát triển và dự trữ nguồn hàng tốt nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng, ổn định giá vào những thời điểm nhạy cảm và dễ bị làm giá nhất. Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, với những người dân ở nội thành, họ hoàn toàn có khả năng để mua sắm tết nên việc giảm giá vào những ngày cận tết sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Các DN cần tập trung tổ chức nhiều chuyến hàng lưu động và giảm mạnh giá bán cho người dân ở khu vực ngoại thành, khu lưu trú công nhân, sinh viên. Nơi nào cần thì giảm giá bán, không cào bằng.

Liên quan đến hàng hóa cung ứng cho dịp tết, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu Sở Công thương phải đưa Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế. Làm được điều này, TPHCM sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thủ tục hành chính, kiểm dịch thú y, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý. Bằng mọi cách, trong dịp tết 2017, tại thị trường TPHCM, 100% các mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia cầm, thịt heo, rau củ quả phải là hàng sạch, hoặc ít nhất là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cung ứng cho người tiêu dùng thành phố. Nếu cần thiết, có thể khuyến khích tiểu thương các chợ làm cam kết không bán hàng trôi nổi, không có xuất xứ. Để làm được việc này, Sở Công thương cần có kế hoạch mời gọi và tạo điều kiện cho các DN, HTX sản xuất sạch đưa hàng hóa vào các kênh phân phối để người dân có nhiều sự lựa chọn. Cách làm này cũng sẽ tạo ra sự công bằng cho các DN, khuyến khích nhiều thành phần DN cùng tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe giống nòi.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng giao cho ngành quản lý thị trường, UBND 24 quận, huyện, ban quản lý các chợ phối hợp, tập trung các đợt kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, những mặt hàng liên quan đến bữa ăn của người dân. Nếu phát hiện hành vi vi phạm phải xử lý thật nghiêm. Bằng nhiều cách, TPHCM phải từng bước xây dựng được nếp kinh doanh văn minh tại các chợ, nói không với hàng gian, hàng giả và kém chất lượng. Nếu địa bàn nào để xảy ra các vụ vi phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM.

THÚY HẢI (SGGP)

 

Bình luận (0)