Trong nhiều hoạt động đổi mới phương pháp dạy và học, bộ môn ngữ văn của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) luôn có hướng đi sáng tạo để tìm ra những bài học lý thú cho học sinh. Chương trình tham quan Thư viện Khoa học Tổng hợp TP được trường tổ chức vừa qua là một hoạt động rất bổ ích.
Giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tham quan Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM |
Cô Triệu Thị Huệ (Trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết có thể coi đây là hành trình đến với văn hóa đọc để các em học sinh chuyên văn tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đam mê văn chương… Phòng đọc thanh thiếu nhi của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP trở thành điểm tập kết sôi động của thầy và trò nhà trường với gần 200 học sinh của 6 lớp chuyên văn. Tại đây, các em thật sự thích thú khi được xem những đoạn phim tài liệu giới thiệu về chức năng và tình hình hoạt động của thư viện – một thư viện quốc gia có hơn 100 năm tuổi – đối với bạn đọc. Em Khoa Uyên (lớp 11CV1, là bạn đọc quen thuộc của thư viện trong nhiều năm qua) cho biết: “Hồi còn học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), em đã đến đây làm thẻ độc giả và hầu như tháng nào cũng đến đây đọc và mượn sách về nhà xem”. Theo Uyên, thư viện đã trở thành “lối đi về” của các bạn trẻ vì có nhiều loại sách hay, nhất là truyện tranh, truyện thiếu nhi, sách lịch sử, văn hóa… Trong khi đó, dù đang học lớp chuyên văn (12CV2) nhưng em Văn Đạt lại chưa một lần bước chân vào thư viện này. Tuy nhiên qua lời “chào mời” đầy thân thiện của các nhân viên thư viện, Đạt hứa sẽ sớm làm thẻ độc giả để đến đây trau dồi kiến thức không chỉ phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới mà còn giúp mình mở mang kiến thức khi sau này trở thành sinh viên.
Phần được các em chờ đợi nhiều nhất là tham quan các phòng đọc và phòng mượn sách. Qua mỗi khu vực, bước chân của các em như muốn đi chậm lại để ngắm kỹ hơn cách bài trí thanh nhã của thư viện. Các em thật sự choáng ngợp bởi những phòng đọc rộng rãi có rất nhiều độc giả đang say sưa hòa mình vào từng hàng chữ trên trang giấy. Nhiều kệ sách được bài trí tiện lợi để cho người đọc dễ lựa chọn cũng là cách đem sách đến làm bạn với con người. Đặc biệt, các em thật sự thích thú khi biết ở đây còn có phòng dịch vụ tham khảo với nhiều máy tính kết nối mạng internet sẵn sàng phục vụ bạn đọc. Và xúc động nhất là khi các em được vào phòng studio dành riêng cho bạn đọc khiếm thị. Dù không nhìn thấy ánh sáng nhưng nhờ các loại sách nói mà độc giả khiếm thị vẫn tiếp nhận được thế giới xung quanh bằng cách đọc sách đặc biệt này.
Phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Theo đó, giáo viên các trường phát triển văn hóa đọc cho học sinh bằng nhiều cách như: đổi mới phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng tận dụng các cứ liệu, văn bản ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện để nâng cao chất lượng giáo dục (thay đổi văn bản truyện đọc phù hợp với chủ đề, chủ điểm của tuần trong giờ kể chuyện; xây dựng đề kiểm tra theo hướng đọc hiểu với văn bản ngoài sách giáo khoa…). Bên cạnh đó, giáo viên cần dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho học sinh nghe; tổ chức các trò chơi xoay quanh nội dung một tác phẩm cụ thể tại các tiết hoạt động ngoài giờ, các tiết sinh hoạt tập thể; phối hợp với thư viện, phụ huynh tổ chức những giờ đọc tại thư viện (khoảng 2 lần/kỳ) ngoài thời gian học tập của học sinh với từng chủ đề cụ thể… Riêng thư viện trường cần lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mục tiêu giáo dục như truyện người tốt việc tốt, người thật việc thật, truyện về các danh nhân văn hóa… Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường là việc làm quan trọng nhằm giúp mỗi học sinh hình thành, nâng cao văn hóa đọc, qua đó học tập tốt hơn. N.Trinh |
Có thể nói, với học sinh chuyên văn, sách là người bạn thân thiết từ khi mới biết đọc chữ. Một lần đến với thư viện các em lại có cơ hội làm quen với văn hóa đọc, nâng bước chân mình trong hành trình đến với sách. Tình yêu văn chương lại có dịp được thắp sáng lên trong tâm hồn các em. Cô Nguyễn Thị Yến Trinh (Hiệu trưởng nhà trường) khẳng định: “Hoạt động tham quan, tìm hiểu sách được nhà trường tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao kiến thức, phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen tự đọc sách cho học sinh. Qua các chuyến tham quan đó, học sinh sẽ tìm hiểu những cuốn sách hay, cần thiết cho nhu cầu học tập của mình. Ngoài ra còn tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với các thư viện để học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của thư viện trường…”.
Ngọc Quang
Bình luận (0)