Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao An Lão (Bình Định), từ nhỏ, Trần Quốc Việt (sinh năm 1984) đã gắn bó với núi rừng. Mỗi khi lên rừng hay đi rẫy, anh đều để ý tìm lan. Ngày ấy, lan rừng rất nhiều, ít người chơi nên còn nhiều loài lan quý hiếm. Từ đó, anh đã có một vườn lan nho nhỏ để thỏa niềm đam mê.
Trần Quốc Việt chăm sóc từng giò lan rừng |
Ra đi tìm vốn
Như mọi đứa trẻ xuất thân từ các miền quê nghèo, Việt xác định phải cố gắng học hành những mong thay đổi cuộc sống. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh tiếp tục theo học tại một trường đại học ở TP.HCM. Được một thời gian, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh quyết định dừng học. Việt chuyển sang học nghề gò hàn và tiếng Hàn để tìm cơ hội đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.
Sau 7 năm lao động ở xứ người, Việt trở về quê với ít vốn liếng tích góp được trong nhiều năm làm việc cật lực. Anh suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình. Trong thời gian nghỉ ngơi để tìm hướng đi mới, anh chăm sóc, cải tạo vườn lan nhỏ ngày xưa của mình. Việt thử đem những giò lan rừng thuần xuống các huyện đồng bằng để tiêu thụ. Và thực tế, lan rừng An Lão thu hút rất nhiều người sành chơi lan. Ý tưởng đầu tư, mở rộng vườn lan, chuyên nuôi trồng và kinh doanh lan rừng để đưa hương rừng về phố thị bắt nguồn từ đó. Đó là năm 2014, vườn lan Việt Anh ra đời.
Năm đầu tiên, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng, chăm sóc, lan bị bệnh nhiều, mất một khoản vốn liếng. “Cảm thấy đắng lòng, đến mất ăn mất ngủ nhưng không hề nản chí”, Việt tâm sự. “Nghề trồng lan rừng đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không có tình yêu thực sự với loài hoa này thì khó lòng vượt qua khó khăn, thử thách để kiên trì với nghề”. Anh vừa làm, vừa tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc thuần dưỡng lan rừng để duy trì và phát triển vườn lan. Từ vốn liếng ban đầu vài chục triệu đồng, đến nay vườn lan của anh có giá trị hàng tỉ đồng.
Thổi hồn vào từng giò lan rừng
Việt tìm nhiều cách để tạo bản sắc cho từng giò lan rừng của mình. Trong đó có việc tạo ra những giá thể mang dấu ấn riêng, không thể pha lẫn. Anh thường lên núi, tìm những phiến đá núi về làm giá thể. Ưu điểm của đá núi là có hình thù lạ mắt, nhiều hốc lõm, xù xì, giữ độ ẩm, dễ sinh rong rêu và sạch bệnh. Có khi anh vào rừng hoặc ra sông suối vào mùa mưa lũ để tìm những gốc gỗ lũa của những cây cổ thụ mục rục tự nhiên. Anh bảo: “Đó sẽ là những giá thể độc đáo, đẹp tuyệt vời được thiên nhiên tạo tác mà không một bàn tay người thợ thủ công nào có thể bì kịp”. Anh cũng tự mình tiện khắc gỗ lũa để sáng tạo những giá thể mang dáng thế phong thủy được người chơi lan ưa chuộng. Gần đây, nắm bắt thị hiếu của người chơi, Việt ghép lan trên những giá thể được chế tác từ gỗ lũa xá xị. Mỗi giò lan của anh đều mang sắc hương độc đáo. Anh quan niệm: “Lan đẹp vì lũa, lũa đẹp vì lan”.
Lan rừng An Lão khá phong phú, có đến hàng trăm loài, trong đó có những loài rất quý hiếm như đại châu, dã hạc, hạc vỹ, kim điệp, tam bảo sắc, hoàng thảo các loại… Một số loại lan rừng An Lão so với lan cùng loại ở những vùng miền khác có nhiều điểm khác biệt đã thu hút người chơi lan. Người am hiểu về lan, dựa vào thân, lá, màu sắc, cánh hoa, mùi hương cũng đánh giá được đâu là lan rừng, đâu là lan cấy mô.
Từ việc tìm hiểu nhu cầu thị trường và thị hiếu của người chơi lan rừng, Việt cho biết đặc điểm lan rừng An Lão thân khỏe, cứng cáp, dáng vẻ ngẫu hứng, chuỗi hoa dài, tròn đều, sắc hoa tươi, hương dịu nhẹ, thơm dai, lâu tàn nên được người chơi ưa chuộng. Vì vậy, anh muốn mỗi giò lan khi đến với người chơi sẽ là một tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc riêng của Việt.
Anh Việt chăm chút từng sợi rễ của lan |
Quyết tâm đó của anh đã được minh chứng qua thực tế. Vườn lan Việt Anh đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người yêu lan rừng biết tiếng vì sự đa dạng và độc đáo của nó. Lan của anh hiện nay đã xuất bán trên khắp cả nước. Người mua có thể đến mua trực tiếp tại vườn hoặc đặt mua online. Việt sử dụng hình thức bán hàng online, theo yêu cầu của khách hàng, buổi tối mỗi tuần, anh livestream vườn lan, đặc biệt là giới thiệu những sản phẩm mới. Hàng ngày, anh đều thực hiện những đơn đặt hàng có giá trị lớn. Không chỉ mua bán, anh còn hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm trồng lan. Sau khi sở hữu những giò lan rừng độc đáo, với dáng vẻ tự nhiên, ngẫu hứng nhất từ vườn lan Việt Anh, người chơi lan đều mong muốn nuôi dưỡng lâu dài. Vì vậy, anh không ngại đồng hành cùng khách hàng của mình trong hành trình theo đuổi đam mê của họ.
Hương rừng, gió núi về với phố thị
Dù sở hữu lượng lan lớn và phong phú về chủng loại nhưng hàng ngày anh vẫn sưu tầm, trao đổi để bổ sung thêm nhiều loại lan mới. Là người đam mê, am hiểu sâu sắc đặc điểm sinh trưởng của lan rừng nói chung và lan rừng An Lão nói riêng, anh Việt cho biết lan rừng có sức sống mạnh mẽ, anh tìm hiểu điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây để sưu tầm thêm những loại lan rừng phù hợp trên khắp cả nước hay từ Lào, Campuchia nhằm làm phong phú thêm vườn lan của mình. Đến nay, vườn lan Việt Anh có khoảng trên 3.000 giò lan có giá trị.
Một số loài lan rừng quý hiếm trong thiên nhiên gần như cạn kiệt, dù khách mua trả giá rất cao, anh cũng không bán. Vì muốn giữ lại nguồn gen quý, anh mày mò, tìm cách và đã thành công trong việc tự nhân giống theo phương pháp thủ công và nuôi trồng lan rừng trong những điều kiện gần với tự nhiên nhất. Đảm bảo khi lan về với từng khách hàng ở những vùng miền với đặc điểm khí hậu, thời tiết khác nhau, sẽ dễ dành thích nghi và phát triển tốt.
Hiện nay, anh Việt đang đầu tư thực hiện mô hình khép kín, nuôi trồng, thuần dưỡng những loại lan rừng đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó là những mô hình trồng hoa lan cây cảnh trong không gian đô thị theo xu hướng làm kinh tế nông nghiệp thời công nghiệp hóa. “Trong nhịp sống hiện đại tất bật, nhất là ở những phố thị ồn ào, náo nhiệt, người ta thường tìm về với thiên nhiên. Vì vậy, một không gian tươi sắc, thoảng nhẹ hương thơm của nhành lan rừng, dễ khiến lòng người thư thái. Tôi muốn đưa hương rừng về nơi phố thị hay người phố thị sẽ được trở về với hương rừng nguyên bản. Ắt hẳn không một người thưởng lãm nào từ chối điều đó”, Trần Quốc Việt thổ lộ.
Mỹ Hạnh
Bình luận (0)