Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đưa kiến thức PCCC đến từng người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là yêu cầu của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tại Hội nghị quán triệt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn TP.Đà Nẵng, diễn ra sáng 20-4.

Hàng hóa chiếm hết lối đi và lối thoát hiểm trong chợ Tân Bình (TP.HCM). Ảnh: A.Khánh

Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng cho biết: Trong năm 2016, Đà Nẵng xảy ra 40 vụ cháy, tăng 5 vụ so với năm 2015. Trong đó nhóm nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp, phương tiện giao thông xảy ra 37 vụ (92,5%), làm 1 người chết và 7 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.435,78 triệu đồng; cháy rừng xảy ra 3 vụ. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã xảy ra 15 vụ cháy, làm 3 người chết; thiệt hại về tài sản ước tính 301,36 triệu đồng, đặc biệt là vụ cháy nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng về người xảy ra vào ngày 5-4 tại đường Nguyễn Tư Giản, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn. Ngoài thiệt hại về người và tài sản, cháy nổ còn gây hậu quả xấu đối với an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường.

Cũng theo Đại tá Lê Ngọc Hải, thực trạng công tác PCCC của các nhóm chuyên đề tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Trong đó chuyên đề về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ khó lường. Một số chợ trên địa bàn TP được xây dựng từ nhiều năm trước, số hộ kinh doanh gia tăng đáng kể, trữ lượng hàng hóa lớn, các hộ kinh doanh cơi nới lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn; hệ thống điện xuống cấp; các hộ kinh doanh chưa chấp hành nội quy PCCC, trong khi đó lực lượng bảo vệ chợ mỏng, chưa thường xuyên kiểm tra công tác PCCC. Bên cạnh đó phương tiện chữa cháy tại chỗ đã cũ, giao thông nguồn nước phục vụ công tác PCCC không đáp ứng yêu cầu. Về khu dân cư cũng tiềm ẩn cháy lan, cháy lớn – Hiện Đà Nẵng có 836 cụm, khu dân cư, trong đó có 67 cụm, khu có nguy hiểm về cháy nổ. Nhận thức về PCCC của người dân còn hạn chế; giao thông không thuận lợi cho xe chữa cháy vào, nhất là các hẻm…

Tại hội nghị, các vấn đề bất cập trong PCCC cũng như giải pháp cũng được các đại biểu nêu lên. Đại diện UBND P.Phước Ninh, Q.Hải Châu phản ánh, các cơ sở kinh doanh karaoke được cải tạo từ nhà ở sang kinh doanh nên không có lối thoát hiểm dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, cơ quan chức năng khi cấp phép kinh doanh cần kiểm tra… Kết luận tại hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, phải đặt công tác phòng ngừa cháy nổ lên hàng đầu. Theo đó, các cấp, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, các phường phải tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ PCCC. Đặc biệt, phải chú trọng tuyên truyền và có phương pháp tuyên truyền hiệu quả để mọi người dân đều được trang bị, kiểm tra, giám sát, được nhắc nhở thường xuyên trong PCCC. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng giao công ty cấp nước nghiên cứu, rà soát và đề xuất phương án lắp đặt các họng nước tại các khu dân cư có hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo để phục vụ PCCC; ngành điện lực thường xuyên kiểm tra, giám sát, đưa ra cảnh báo, nhắc nhở người dân ý thức phòng chống chập điện định kỳ 2 lần/năm, đặc biệt là các hộ dân nghèo, các khu nhà trọ sinh viên, công nhân (60% nguyên nhân xảy ra cháy đều xuất phát từ chập điện – PV); Công ty kinh doanh xăng dầu có kinh doanh gas cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng cách phòng chống cháy nổ…

Riêng với các hộ sử dụng không gian chuyển đổi từ nhà ở sang kinh doanh như karaoke và các hình thức kinh doanh khác, ông Thơ cho rằng, cần phải có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi cấp phép, không du di, xuê xoa. Phát hiện sai phạm yêu cầu ngừng kinh doanh ngay để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng cháy, nổ.

TP.HCM: Lo lắng với cháy nổ ở chợ

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan – Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM – khẳng định: Vấn đề lo lắng của người dân trong công tác PCCC là tình trạng cháy, nổ tại chợ. Điển hình như chợ Tân Bình với 23.000m2/3.416 sạp, hàng ngày có trên 25.000 người đến đây giao dịch, mua bán các sản phẩm hàng hóa là vải sợi, quần áo may sẵn và phụ liệu ngành may. Chợ được xây dựng trước năm 1975, các quy chuẩn về công tác PCCC không đáp ứng quy định hiện hành. Vì vậy, chợ đã được Cảnh sát PCCC TP lắp đặt hệ thống báo cháy tự động kết nối với Trung tâm Chỉ huy PCCC của TP. Ngoài 4 lần kiểm tra/năm, Cảnh sát PCCC TP còn kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề. Mới đây khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP kiểm tra đột xuất công tác PCCC tại chợ Tân Bình, và đã đề nghị Ban quản lý (BQL) chợ phải khắc phục tình trạng chủ sạp lấn để hàng hóa cản trở lối đi, lối thoát nạn; một số chủ sạp dùng tấm bìa carton lợp trên mái sát với đường dây dẫn điện; bóng điện chiếu sáng để sát vào hàng hóa, không có màng chụp bảo vệ…

Về vấn đề này, ngày 19-4, trao đổi cùng chúng tôi, Trưởng BQL chợ Tân Bình ông Nguyễn Phương Bắc cho biết: BQL đã lập biên bản vi phạm 982 trường hợp để hàng hóa lấn chiếm lối đi và cho thực hiện cam kết không tái phạm, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ kinh doanh 36 trường hợp do vi phạm nhiều lần; lập biên bản 63 trường hợp để hàng hóa gần các thiết bị điện, quên tắt điện, sử dụng quạt không lồng che, đốt nhang – trong đó tạm đình chỉ kinh doanh 25 hộ vi phạm do lỗi chủ quan, đối với các trường hợp vi phạm do khách quan thì cho thực hiện cam kết.

Ông Huỳnh Phương Vũ – Phó BQL chợ Tân Bình – cũng cho biết: BQL chợ đã mua sắm hàng loạt trang thiết bị để phục vụ công tác PCCC. Đặc biệt, để ứng phó kịp thời các sự cố BQL chợ còn đề ra kế hoạch 3 biết (biết xử lý tình huống cháy, biết sử dụng thành thạo bình chữa cháy, biết trách nhiệm về công tác PCCC); 2 có (có bình chữa cháy hoặc quả cầu tự chữa cháy, có đèn pin hoặc đèn năng lượng mặt trời để sử dụng khi không có điện). Đội PCCC của chợ gồm 39 thành viên, đều được tập huấn về công tác PCCC. Ngoài ra, hàng ngày trong giờ kinh doanh, BQL cũng có thể huy động hơn 100 người thuộc các tổ nghiệp đoàn đóng hàng, đội vận chuyển hàng hóa tham gia lực lượng PCCC tại chỗ nếu có sự cố xảy ra.

Phan Lệ – An Khánh

Bình luận (0)