Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa lễ hội vào trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ hội ẩm thực của học sinh Trường THPT Thanh Đa tháng 2-2009

Lễ hội văn hóa dân gian là một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Và gần đây các trường từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT đã đưa lễ hội văn hóa dân gian vào những chủ điểm lớn của các chuyên đề hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Thổi hồn vào tiết học
Tùy theo điều kiện và cách tổ chức của từng đơn vị mà các chuyên đề đó được thực hiện theo cấp trường, cấp quận hay cấp TP. So với các chủ điểm khác thì lễ hội văn hóa dân gian là một chủ điểm mang tính tập thể rất cao, được nhiều giáo viên và học sinh tích cực tham gia nhất. Cụ thể như Trường Mẫu giáo Hương Sen, quận Phú Nhuận đã tổ chức chuyên đề “Lễ hội mùa xuân” cấp quận. Dựa vào gợi ý của giáo viên đứng lớp, các bé nhóm Mầm, Lá đã biết tổ chức các gian hàng ẩm thực chào đón khách hàng bằng những đặc sản các vùng quê Bắc – Trung – Nam. Qua đó, các bé đã được mở rộng tầm nhìn của mình từ những món ăn dân dã đồng quê bắt đầu “bén duyên” vào không gian văn hóa rộng lớn của dân tộc. Nét văn hóa tại các gian hàng ẩm thực không chỉ thể hiện qua hương vị món ăn mà còn thể hiện qua cách bài trí, phục vụ của người bán hàng. Chiếc nón bài thơ xứ Huế, tà áo dài màu tím càng tôn thêm vẻ đẹp của một vùng đất thần kinh có bề dày lịch sử. Đến với Trường MN dân lập Sơn Ca 5, quận Phú Nhuận trong tiết ngoại khóa với chủ đề lễ hội dân gian, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước những điệu múa dân gian và đặc biệt là đội múa lân của nhà trường do các cô giáo tự biểu diễn đã làm rộn ràng thêm không khí của ngày vui.
Dù là một tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp cấp trường nhưng các trò chơi trong lễ hội ngày xuân ở Trường TH Phù Đổng, quận Bình Thạnh được tổ chức rất bài bản và hiệu quả. Thi gói bánh chưng bánh tét, cắm hoa vừa là trò chơi vừa là công việc để các em hiểu thêm giá trị của lao động, tính sáng tạo và hiểu biết đúng đắn hơn về một số tục lệ, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Bất ngờ nhất tại đây là gian hàng thư pháp do HS độc diễn lúc nào cũng đông người đến xem và thưởng ngoạn. Những nét chữ mực Tàu dù còn vụng về cứng rắn nhưng đã thổi thêm hồn văn hóa cho ngày hội, nâng cao giá trị tinh thần và trí tuệ của con người vốn coi trọng truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Thành công từ học sinh
Thầy Nguyễn Xuân Thọ – Phó hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 cho biết: “Hoạt động “Ngày xuân và nét đẹp truyền thống văn hóa quê hương” đã làm sống lại những tục lệ, phong tục đón tết mừng xuân của dân tộc Việt Nam lưu truyền từ đời này sang đời khác”. Theo thầy Thọ, thông qua hoạt động này nhà trường giúp các em biết gìn giữ và phát huy những tục lệ tốt đẹp đồng thời bài trừ các hủ tục mê tín không phù hợp trong xã hội mới. Nhiều giáo viên được dự chuyên đề có chủ điểm “Ngày xuân và nét đẹp truyền thống văn hóa quê hương” tại Trường THCS Võ Trường Toản ngày 7-2-2009 đã tìm lại được không khí náo nức của những ngày xuân. Nét đặc biệt của hoạt động lần này là tất cả chương trình đều do học sinh làm “đạo diễn” lẫn thực hiện. Trong quá trình diễn ra lễ hội dù đôi lúc có sự cố trục trặc kỹ thuật nhưng các em đã tự mình điều chỉnh chứ không nhờ đến sự “bẻ lái” của giáo viên. Rõ ràng để hoạt động có lực hút và hiệu quả không còn cách nào khác ngoài sự làm chủ của các em từ ý tưởng, kịch bản đến khâu thiết kế và thực hiện chương trình. Thầy Thọ tiết lộ một chi tiết rất thú vị: “Theo kịch bản ban đầu, tiết mục Sớ Táo Quân rất đơn giản chỉ có 3 nhân vật nhưng trong quá trình tập dượt các em đã thêm vào 2 cung nữ cầm quạt, 2 quân sĩ đi kèm làm cho chương trình sinh động hơn”.
 Theo đánh giá của nhiều giáo viên có như vậy mới phát huy được khả năng vốn có của từng học sinh, tạo được sức hấp dẫn cho người chơi và người đứng ra tổ chức. Thành công của chương trình sẽ giúp các em có thêm động lực để làm tiếp các chương trình khác. Các hoạt động này không chỉ đem lại niềm vui mà còn chuyển tải được yêu cầu về giáo dục đạo đức, tư tưởng và thẩm mỹ cho các em; không chỉ bồi đắp niềm tự hào mà các em còn biết tôn trọng và bảo vệ những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của ông cha gìn giữ từ ngàn đời nay.
Ông Thái Quốc Tuấn – chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Hoạt động lễ hội văn hóa dân gian từ cấp trường đến cấp TP sẽ giúp các đơn vị có cơ hội học tập trao đổi kinh nghiệm để cho các chuyên đề hoạt động ngoài giờ lên lớp càng ngày càng có chất lượng. Mục đích cuối cùng là chuyển tải được nội dung ý tưởng của bài học, huy động được toàn bộ học sinh tham gia”. Theo ông Tuấn, nếu các hoạt động chỉ có một vài nhóm thì chưa đủ mà bằng mọi cách để tất cả các em có cơ hội hòa mình vào hoạt động. Có như vậy mới đem lại những cảm xúc thực sự cho các em khi tham gia tiết học.
Phan Ngọc Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)