Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đưa logo vào các mặt hàng bình ổn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành chức năng nhằm triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Theo đó, năm 2014, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện song song 4 chương trình bình ổn thị trường gồm: Chương trình bình ổn thị trường (với 72 DN tham gia) các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu; Chương trình bình ổn các mặt hàng sữa; Chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2014 và Chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Hiện đã có 72 doanh nghiệp (DN) tham gia; tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 8.150 tỷ đồng, tăng 6.190 tỷ đồng so với năm 2013.

Tổng hạn mức tín dụng của các ngân hàng đăng ký dành cho Chương trình bình ổn năm 2014 tính đến ngày 17-3-2014 là 8.150 tỷ đồng (tăng 6.190 tỷ đồng so với năm 2013). Thời gian triển khai thực hiện các chương trình bình ổn năm 2014 là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1-4-2014, kết thúc vào ngày 31-3-2015.

Căn cứ vào sự thay đổi xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của người dân và trên cơ sở đăng ký theo khả năng cung ứng của từng DN, TPHCM đã xây dựng sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng bình ổn chiếm khoảng từ 25% – 65,4% nhu cầu thị trường.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đã cơ bản thống nhất với dự thảo kế hoạch thực hiện các chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 do Sở Công thương và Sở Y tế trình bày. TPHCM tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn cho TP.

Điểm mới của Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 là sẽ đưa logo của chương trình vào các mặt hàng bình ổn nhằm nâng cao khả năng nhận diện cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, qua đó góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của chương trình. Năm 2014, chương trình sẽ tập trung nâng cao khả năng sản xuất, cung ứng hàng hóa của các HTX nông nghiệp, nhằm hướng tới mục tiêu các sản phẩm tham gia đều đạt chuẩn VietGAP, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Chương trình bình ổn năm 2014 của TPHCM tiếp tục gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng hóa trong chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân TP trong trường hợp có xảy ra biến động. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Việc đưa hàng bình ổn vào thị trường phải được tiến hành đa dạng, nếu chúng ta đưa được hàng vào các phòng khám, bếp ăn tập thể, phủ kín các KCN – KCX, chắc chắn sẽ từng bước dẹp được các điểm tự phát tại các điểm nóng. Đây cũng sẽ là một thành công lớn của chương trình trong năm 2014. Nhiệm vụ này không đơn giản nhưng vai trò của đơn vị nhà nước không được lùi bước trước khó khăn vì mục đích chung”.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã làm việc với Hội đồng giám khảo cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) Chương trình bình ổn thị trường TPHCM để thông qua 3 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung kết. UBND TP giao Sở Công thương và các sở, ngành chức năng tiến hành những thủ tục cần thiết để chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất làm logo cho chương trình. Với logo này sẽ hạn chế các hành vi lợi dụng tên gọi, thương hiệu của chương trình để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của chương trình.

THÚY HẢI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)