Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đưa lớp học Google vào trường phổ thông

Tạp Chí Giáo Dục

Không diễn ra ở lớp học truyền thống, những tiết học tại lớp học số Google lần đầu được Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) triển khai trong năm học này khiến học sinh vô cùng thích thú.

Năm học này, lớp học số Google lần đầu được đưa vào giảng dạy tại Trường THPT Phú Nhuận 

Lớp học “cả thực và ảo”

Giờ học địa lý lớp 12A16 với bài “Thực hành sự phân hóa tự nhiên của Việt Nam” được diễn ra tại lớp học Google. Điều đặc biệt là thay vì chỉ với tập, sách như lớp học truyền thống, mỗi học sinh lại có thêm một công cụ là laptop để thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Với yêu cầu: báo cáo về sự phân hóa tự nhiên của Việt Nam theo Bắc – Nam và độ cao trong giờ học, lớp học được chia thành nhiều nhóm, cùng nhau sử dụng công cụ Google tạo ra các sản phẩm đa dạng như album ảnh, các đoạn video, sản phẩm tranh…

Đầy hào hứng, Tuấn Kiệt – học sinh lớp 12A16 chia sẻ, với sự tham gia của thiết bị giờ học đã trở nên cực kỳ thú vị, sinh động. Học sinh không chỉ được tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn tại lớp học thực mà song song đó còn tương tác thông qua chính lớp học số.

“Kỹ năng sử dụng CNTT của em đã được nâng cao hơn rất nhiều khi tham gia vào lớp học số. Điều này giúp em thuận lợi hơn khi tìm kiếm tài liệu học tập cũng như thiết kế sản phẩm học tập…” – Kiệt nói thêm

Cô Lê Thị Hương – giáo viên địa lý, Trường THPT Phú Nhuận – cho biết, trước khi tiết học diễn ra 1 tuần, giáo viên đã triển khai đến học sinh những yêu cầu trong tiết học, từng nhóm sẽ tự phân công nhau hoàn thành bài báo cáo trên các công cụ Google. Trong tiết học tại lớp học Google, các nhóm sẽ trình chiếu bài thuyết trình của nhóm mình…

“Khác với lớp học truyền thống, tiết học ở lớp học Google học sinh được thao tác hoàn toàn trên máy tính. Trong quá trình thực hiện sản phẩm, các thành viên trong nhóm đều có thể trực tiếp tham gia góp ý, chỉnh sửa trên chính các công cụ. Khi một nhóm hoàn thành sản phẩm thì các nhóm học sinh khác cũng có thể theo dõi, đánh giá. Với tiết học truyền thống, việc thuyết trình sẽ dừng ở việc từng nhóm học sinh lên nói và các nhóm khác góp ý. Tuy nhiên, tại lớp học số Google thì sản phẩm của các nhóm lại được lưu trên lớp học online của giáo viên. Vì thế, không phải khi kết thúc tiết học là dừng bài học mà học sinh có thể  học lại, ôn lại bài ở mọi lúc, mọi nơi bằng tài khoản Google” – cô Hương chia sẻ.

Giáo viên này đánh giá, tính hệ thống và xuyên suốt tại lớp học số là điểm nổi trội để học sinh được tương tác cả trước, trong và sau tiết học trên cùng một hệ thống với sự quản lý của giáo viên. “Việc được tham gia vào lớp học Google đã mang đến sự hào hứng, hồ hởi cho mỗi học sinh. Các em thoả sức tạo ra đa dạng sản phẩm, vượt ra cả sự mong đợi của giáo viên”.

Cởi bỏ áp lực đổi mới từ công nghệ số

Lớp học số Google lần đầu tiên được Trường THPT Phú Nhuận đưa vào giảng dạy trong năm học 2024-2025. Bên cạnh thực hiện lộ trình chuyển đổi số, lớp học số còn là một trong những công trình của ngành giáo dục thành phố hướng tới chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2025).

Cô Nguyễn Hoàng Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận thông tin, hiện nay giáo viên và hơn 2.500 học sinh toàn trường đã được cung cấp toàn khoản Google và được tập huấn sử dụng ngay trong hè. Trong năm học này, việc tổ chức các tiết học tại lớp học Google sẽ ưu tiên với học sinh khối 10, thời lượng 2 tiết/tuần; đối với lớp 11 và 12 được cân đối trên đăng ký của giáo viên.

Lớp học là công trình ngành giáo dục chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

“Tổ tin học được giao nhiệm vụ thường xuyên hỗ trợ giáo viên về mặt kỹ thuật. Với tất cả các môn học, giáo viên đều rất tự tin triển khai tại lớp học số. Qua tài khoản Google, việc học của học sinh được diễn ra không hạn chế về mặt không gian, thời gian…”.

Theo cô Tâm, công tác chuyển đổi số trở thành nhiệm vụ bắt buộc trong trường học. Với lớp học Google, nhà trường hướng tới thay đổi thói quen của cả thầy và trò trên môi trường số để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, hình thành thói quen tự học và kỹ năng sử dụng CNTT cho học sinh. Đặc biệt là tiết kiệm thời gian, công sức cho giáo viên khi đổi mới giáo dục.

“Việc đưa thiết bị, công nghệ vào trường học hiện không phải là điều xa lạ hay mới mẻ đối với các nhà trường. Tuy nhiên, khi thiết bị được đưa vào và sử dụng một cách bài bản, hệ thống thì không chỉ góp phần giúp nhà trường chuyển đổi số hiệu quả mà giáo viên sẽ quản lý được học sinh trong tương tác trên môi trường số”.

Giáo viên Lê Thị Hương chia sẻ thêm, trước đây khi đưa công nghệ vào lớp học cô cảm thấy rất nặng nề vì khả năng tin học còn yếu nên dường như cảm thấy “thêm việc”. Thế nhưng, khi đã vượt ra khỏi sự e dè, mạnh dạn học và làm thì thấy được rằng việc ứng dụng công nghệ vào giờ học một cách bài bản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chính giáo viên, việc đổi mới trở nên nhẹ nhàng.

“Với lớp học số, giúp giảm áp lực cho giáo viên, tiết kiệm về thời gian của cả cô và trò; học sinh thì được thể hiện tối đa năng lực và sự sáng tạo. Dù vậy, đòi hỏi giáo viên phải đa dạng các hoạt động để học sinh tham gia chứ không phải dừng ở việc cho các em trình diễn về công nghệ” – cô Hương nói.

Yến Hoa

Bình luận (0)