Từ ngày 11-1-2021, Thông tư 46 chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT chính thức có hiệu lực. Như vậy, bắt đầu từ HKII năm học 2020-2021, học sinh khối 10 sẽ được tiếp cận các kiến thức về an ninh mạng một cách bài bản và hệ thống hơn.
Việc đưa Luật An ninh mạng vào môn giáo dục quốc phòng và an ninh từ lớp 10 sẽ giúp hạn chế bạo lực học đường trong nhà trường (ảnh minh họa)
Tổng thời lượng của chương trình ở cả 3 khối là 105 tiết (35 tiết/ khối) kết hợp giữa lý thuyết với thực hành. Bộ GD-ĐT quy định, căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục, từng đơn vị phân chia thời lượng, chọn lựa địa điểm và hình thức dạy học phù hợp. Ngoài an ninh mạng, với học sinh lớp 11, lần đầu tiên sẽ được học các kiến thức về Luật Nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm của học sinh theo độ tuổi. Đối với học sinh lớp 12 đó là các kiến thức về công tác tuyển sinh, đào tạo trong các trường quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam.
Theo thống kê, có tới trên 90% học sinh THPT có điện thoại thông minh. Điều này đã phát huy hiệu quả trong việc học trực tuyến mùa dịch vừa qua. Việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh phổ biến cũng đồng nghĩa với việc có thể phát sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực, thậm chí dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật nếu như các em không được chỉ dẫn, giảng dạy một cách cụ thể, chi tiết.
“Từng có trường hợp học sinh nhà trường vì bình luận bài viết trên mạng xã hội đã dẫn đến mâu thuẫn với học sinh trường khác. Mâu thuẫn đến mức hai bên… hẹn gặp nhau ở cổng trường. May sao, có học sinh trong trường báo nên nhà trường phát hiện và ngăn chặn kịp thời, nếu không thì không biết như thế nào”, cô Trần Thị Thơm (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman, Q.1) chia sẻ.
Theo cô Thơm, lứa tuổi học sinh THPT các em rất thích thể hiện. Thậm chí, có những em còn quan niệm rằng, càng thể hiện lại càng chứng tỏ… bản lĩnh. Không chỉ thể hiện ngoài đời thực, các em còn thể hiện trên mạng xã hội từ việc phát ngôn, bình luận, bình phẩm…, mâu thuẫn cũng từ đó mà phát sinh. Không những thế, nguy hiểm hơn là chính việc dễ tổn thương, thích thể hiện đó các em sẽ trở thành mục tiêu có nguy cơ để người xấu dụ dỗ, lôi kéo, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật mà ngay cả bản thân các em cũng không biết. “Trước giờ, việc giáo dục Luật An ninh mạng cho học sinh vẫn được nhà trường thực hiện, tổ chức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm hay trong các tiết dạy các bộ môn như ngữ văn, giáo dục công dân… Tuy nhiên, khi đưa nội dung này vào giáo dục cho học sinh một cách bài bản qua bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh thì một lần nữa nội dung này sẽ được đào sâu hơn trở thành xuyên suốt hơn, giúp các em nhận thức rõ ràng hơn”, cô Thơm khẳng định.
Nhìn nhận vai trò, tính cấp thiết của việc đưa giáo dục Luật An ninh mạng cho học sinh bậc THPT vào trong một môn học là cực kỳ cần thiết, thầy Phạm Thanh Tuấn (giáo viên giáo dục công dân, Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10) cho biết, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và CMCN 4.0, học sinh có cơ hội tiếp cận với các phương tiện công nghệ hiện đại và các trang mạng xã hội ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận học sinh vẫn còn hiểu biết khá khiêm tốn về việc sử dụng mạng xã hội nói riêng và sử dụng internet nói chung dẫn đến việc các em chia sẻ, tìm kiếm và đưa ra một số thông tin chưa phù hợp. “Đưa Luật An ninh mạng vào giảng dạy trong trường phổ thông là rất cần thiết, thông qua đó giúp định hướng học sinh hiểu đúng, hiểu đủ về luật, vận dụng vào thực tế không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật”.
Thầy Tuấn cũng cho rằng, việc đưa Luật An ninh mạng vào giảng dạy cần hướng đến thực tế, trên cơ sở phân tích những tình huống cụ thể dẫn học sinh đến vấn đề, phân tích và rút ra những kiến thức cần thiết. “Để thay đổi nhận thức, tác động đến hành vi của học sinh thì cần cả một quá trình. Thông qua một môn học, kết hợp với nhiều bộ môn khác sẽ là… mưa dầm thấm lâu, từng bước giúp các em hiểu về Luật An ninh mạng, từ đó hạn chế bạo lực học đường”.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) mới đây cũng vừa đưa nội dung về sử dụng mạng xã hội vào giáo dục cho học sinh trong một hoạt động trải nghiệm. Cô Lý Thị Hồng Thắm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, khi Luật An ninh mạng được đưa vào giáo dục bài bản cho học sinh sẽ giúp các nhà trường linh hoạt hơn nữa trong triển khai nội dung này, nhằm mục đích hình thành cho học sinh ý thức trong việc sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, làm chủ hành vi của mình trên mạng xã hội, biết chọn lọc thông tin để tiếp nhận, tạo môi trường giao dục thân thiện, lành mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)