Nhóm nghề chăm sóc sức khỏe – thẩm mỹ – làm đẹp vừa chính thức được đào tạo tại một số trường CĐ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng phát triển của lĩnh vực này.
Sinh viên thực hành massage trị liệu tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2. Ảnh M.T
Theo bà Bùi Thị Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phụ trách Khoa Y Dược và thẩm mỹ Trường CĐ Kỹ nghệ 2, trường vừa ra mắt bộ môn chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ, thuộc khoa y dược và thẩm mỹ, với các chuyên ngành như chăm sóc da – móng – tóc, massage trị liệu, phun xăm thẩm mỹ, trang điểm, tóc…
“Chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế, tìm hiểu thị trường lao động, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo ở các trường CĐ, ĐH tại nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ đó thành lập bộ môn nhằm đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp, cung cấp cho thị trường chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ những lao động đạt chuẩn kỹ năng nghề”, bà Tâm chia sẻ.
Trường sẽ tuyển sinh 3 trình độ gồm sơ cấp, trung cấp (học sinh tốt nghiệp THCS trở lên) và CĐ (học sinh tốt nghiệp THPT trở lên). Học viên hệ chính quy sẽ học trong 2 năm, hệ vừa học vừa làm sẽ học trong 2,5 năm. Trường cũng đào tạo liên thông CĐ trong thời gian 1 năm… Tốt nghiệp, người học được nhận bằng do Bộ LĐ-TB-XH cấp. “Các thẩm mỹ viện, spa, salon tóc… mọc lên ngày càng nhiều do nhu cầu làm đẹp quá lớn. Vì thế, học những ngành này ra là có việc làm ngay. Mức lương khởi điểm của người mới tốt nghiệp là từ 15 triệu đồng trở lên. Các em có thể đi làm ngay, cũng có thể học tiếp lên ĐH tại Hàn Quốc, Nhật Bản để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ”, bà Tâm thông tin thêm.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần đào tạo và phát triển Spa VN, mỗi một spa ra đời cần ít nhất 50 nhân viên làm đẹp. Gần đây, doanh nghiệp nước ngoài đến VN mở trung tâm thẩm mỹ ngày càng nhiều, nhân viên được săn lùng với mức lương cao. Vì thế những học viên chưa kết thúc khóa học tại các trung tâm đào tạo ngắn hạn đã được nhận vào làm việc. Bà Ánh cũng cho rằng, lâu nay nghề massage trị liệu nói riêng, các ngành chăm sóc sắc đẹp nói chung đều tự phát, người này truyền nghề cho người kia, không tránh khỏi những thiếu sót, kỹ năng không chuẩn dẫn đến những hậu quả khó lường. “Khách hàng sẽ là người thiệt thòi nhất nếu nhân viên chăm sóc da lại không có kiến thức bài bản về cấu trúc da, cách điều trị cho từng loại da… Vì thế, nếu VN đưa các nghề này vào đào tạo chính thức tại trường CĐ sẽ giúp cho nhân viên ngành làm đẹp có tay nghề cao, giúp ngành làm đẹp phát triển và an toàn hơn rất nhiều”, bà Ánh nói.
Ngoài Trường CĐ Kỹ nghệ 2, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng đang đào tạo các ngành như vẽ móng nghệ thuật, chăm sóc sắc đẹp, thiết kế các kiểu tóc, trang điểm thẩm mỹ.
Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)