Đối với các trường hiện nay, để HS có được những tiết học bơi là rất khó khăn
|
Nhằm trang bị cho học sinh (HS) kỹ năng bơi để phòng tránh tai nạn khi xuống nước, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất như là môn học chính thức. Tuy nhiên, các trường đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất lẫn giáo viên (GV)…
Toàn thành phố chỉ 14 trường có hồ bơi
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) đã đưa hồ bơi vào sử dụng được hơn một năm. Song mỗi năm nhà trường chỉ tổ chức cho HS khối lớp 2 tham gia học và mỗi tuần chỉ được học 1 tiết (35 phút). Cô Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do hồ có diện tích nhỏ và ít GV nên trường ưu tiên cho các em lớp 2. Bước sang lớp 3, lớp 4, lớp 5, các em đều đã có kỹ năng và kiến thức bơi; nếu em nào có nhu cầu thì tiếp tục học tại các trung tâm. Còn HS lớp 1 vì quá nhỏ nên trường không cho học.
Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) có hồ bơi tọa lạc trên khu đất rộng 900m2, không những đủ điều kiện cho HS học bơi, rèn luyện mà còn đủ chuẩn để tổ chức các cuộc thi đấu quốc gia. Tuy nhiên, những ngày đầu đưa hồ bơi vào hoạt động, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai vì không có GV chuyên về môn bơi.
Môn bơi lội không giống như các môn thể dục khác, việc được xuống nước khiến HS rất thích, hiếu động, vì thế GV dạy bơi không những dạy các kỹ năng mà còn có nhiệm vụ giám sát, cứu hộ. Điều quan trọng là GV xử lí các tình huống tai nạn như đuối nước phải hết sức nhanh nhẹn. Những kỹ năng này chỉ GV được đào tạo chuyên sâu về bơi lội mới thành thạo. Đây là lí do khiến các trường không thể đưa GV dạy thể dục ra dạy môn bơi mà buộc các trường (có chương trình giảng dạy môn bơi) phải phối hợp ít nhất với hai chuyên viên bơi lội ở trung tâm TDTT.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2010-2011, toàn thành phố có 1.686 trường học các cấp nhưng chỉ có 14 trường có hồ bơi. Trong đó, bậc tiểu học có 5 trường, bậc THCS có 4 trường, bậc THPT có 5 trường. Trước những khó khăn này, những ngày đầu triển khai đề án, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường cố gắng mở rộng diện tích, xây dựng hồ bơi trong khuôn viên nhà trường. Với những trường không có hồ bơi thì phối hợp với những hồ bơi gần trường để thực hiện việc giảng dạy. Tuy nhiên, trên thực tế điều này không hề đơn giản. Một GV Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3) cho rằng việc di chuyển các em HS đến hồ bơi rất khó khăn. Đâu phải lâu lâu mới đi một lần, khi đã đưa môn bơi vào giảng dạy chính khóa thì đòi hỏi phải đồng đều và cả một quá trình xuyên suốt, vì thế nhà trường vẫn trông chờ vào phụ huynh là chính, nếu có điều kiện thì nên cho con đi học bơi.
Cô Thúy Hà cho biết, để xây một hồ bơi cần phải có kinh phí, rồi GV… Chi phí bỏ ra để vệ sinh hồ, xử lí nước (mỗi tuần thay nước một lần)… khá tốn kém. “Trường chúng tôi mỗi tháng mất đến 2 triệu đồng cho khoản này”, cô Thúy Hà nói.
Chỉ dừng lại ở dạy kỹ năng
Để xây một hồ bơi cần phải có kinh phí. Hiện nhiều trường còn thiếu sân bãi cho HS vui chơi trong giờ nghỉ nên việc xây hồ trong trường chưa ai dám nghĩ đến, đó là chưa kể khi có hồ bơi rồi, chi phí bỏ ra để vệ sinh, xử lí nước… khá tốn kém – cô Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cho biết.
|
“Mong muốn của ngành giáo dục là đưa môn bơi vào nhà trường như một môn học chính thức, HS phải được học 2 tiết/tuần. Song trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, do đó môn bơi vẫn chỉ là môn tự chọn. Đối với chương trình THCS, THPT: một năm HS được học 70 tiết thể dục, trong đó số tiết tự chọn dao động từ 4-20 tiết, vì thế các trường chỉ đưa ra yêu cầu HS sau khi tốt nghiệp cuối cấp phải biết bơi ít nhất một kiểu cũng như phải nắm được các kỹ năng trong môn bơi lội”,ông Lê Văn Quan – Chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất (Sở GD-ĐT TP.HCM) – cho biết. Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho HS, song các em chỉ được học 1 tiết/tuần. Đấy là chưa kể 30 em chỉ được một GV hướng dẫn, kèm cặp, trong khi theo quy định, một GV chỉ kèm, dạy cho 5 em. “Để đạt được yêu cầu sau khi kết thúc một khóa học bơi, HS phải biết bơi ít nhất một kiểu thì khá khó”, cô Thúy Hà lo lắng. Kết quả sau một năm dạy bơi, Trường Nguyễn Văn Trỗi có khoảng 70% HS biết bơi một kiểu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay hầu hết các trường chỉ tập trung chú trọng dạy HS các kỹ năng phản xạ khi gặp nước, kỹ năng tự cứu đuối, nổi người là chính.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do chết đuối ngày càng tăng, đặc biệt là trong mùa hè. Con số này cao gấp 10 lần nếu so sánh với các quốc gia phát triển. Nơi xảy ra chết đuối không chỉ tại các ao hồ, sông ngòi mà còn xảy ra ở các hồ bơi. Qua báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế TP.HCM), cuối tháng 5-2010, tại hồ bơi Starlkight (Q.12), một bé trai 13 tuổi chết ngạt vì cứu hộ viên không phát hiện kịp thời. Sau khi phát hiện, hai nhân viên cứu hộ đã đưa nạn nhân lên bờ, sơ cứu tại chỗ và đưa đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu nhưng không kịp. Hay vào cuối tháng 7-2010, tại hồ bơi Khánh Hội (Q.4), một trẻ đã tử vong do không biết bơi. Bé được phát hiện khi đang lập lờ dưới nước, lực lượng cứu hộ ra sức cứu chữa song bé cũng không qua khỏi.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Ông Đặng Văn Mừng, Phó chủ nhiệm CLB bơi Kỳ Đồng (Q.3) cho biết: “Với một HS bình thường xuống nước khoảng 15 lần là biết bơi, con số này đạt đến 70%. Trên địa bàn Q.3, trường mầm non Tuổi Thơ 7 và Trường Mầm non Hoa Mai thường xuyên kết hợp với CLB Kỳ Đồng dạy bơi cho các em trong những kỳ học chính khóa. Việc này nhằm rèn các kỹ năng phản xạ cũng như phòng tránh tai nạn khi trẻ gặp nước”.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại của phụ huynh là chất lượng nước hồ bơi. Nước hồ sạch phải đạt các tiêu chuẩn về độ pH, clor dư, amoniac, vi sinh Coliforms và E.Coli… Nhưng, “Việc tất cả hồ bơi thực hiện đúng những quy định này là rất khó”, ông Mừng băn khoăn. Theo kết quả khảo sát cuối năm 2010 của Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế TP.HCM) tại 82 hồ bơi trên địa bàn thành phố, chỉ có 51 hồ đạt loại tốt, 18 hồ đạt loại khá, 1 hồ loại trung bình và có 7 hồ bị nhắc nhở do độ clor dư đến 72%, còn độ pH chỉ đạt 66%. Đấy là chưa kể nhiều hồ bơi có lượng Amoniac trong nước vượt quá mức cho phép.
|
N.T
Bình luận (0)