Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa môn bơi lội vào chương trình chính khóa: Bài 2: Cần những bước đột phá mạnh mẽ

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy bơi cho học sinh ở Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê, Đà Nẵng)

Cũng giống như TP.HCM, TP.Đà Nẵng đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất khi đưa môn bơi lội vào nhà trường như một môn học chính khóa, dù địa phương này được sự hỗ trợ của Hiệp hội Cứu nạn Hoàng gia Úc, Tổ chức Liên minh vì an toàn của trẻ em (TASC) Hoa Kỳ…

Kỹ năng cần thiết cho trẻ em
Bơi lội không chỉ là một môn thể thao kích thích sự phát triển cơ thể một cách toàn diện, nó còn là một trong những kỹ năng sống quan trọng cần thiết phải trang bị cho trẻ nhỏ. Chính vì vậy, năm 2009, Hiệp hội Cứu nạn Hoàng gia Úc, Tổ chức Liên minh vì an toàn của trẻ em (TASC) Hoa Kỳ phối hợp với Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng triển khai kế hoạch đưa môn bơi lội vào dạy tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, từ tháng 5-2011 đến nay, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho 1.000 học sinh tại điểm bơi ở hai trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, Bế Văn Đàn và điểm bơi bãi biển phường Xuân Hà, do 24 giáo viên thể dục của quận và 7 giảng viên của đội cứu hộ thành phố tham gia giảng dạy. Đây là những giáo viên đã được tập huấn và cấp chứng chỉ dạy bơi. Còn tại quận Sơn Trà, từ đầu mùa hè đến nay đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho hơn 500 học sinh tại bãi biển Thọ Quang và Trường Tiểu học Ngô Gia Tự. Đây được xem là một hoạt động thiết thực trong dịp hè nhằm góp phần ngăn chặn nạn đuối nước có thể xảy ra đối với trẻ em trên địa bàn.
Thầy Nguyễn Văn Dân, giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập, quận Thanh Khê (đang dạy bơi ở điểm trường Huỳnh Ngọc Huệ), cho biết: “Khi các em học sinh mới tiếp xúc với nước (những buổi học đầu tiên – PV), chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua một thời gian, khi đã quen thì các em tỏ ra rất thích thú. Nếu tính theo chuẩn của chương trình thì sau mỗi khóa học có trên 80% học sinh đạt tiêu chuẩn: bơi 25 mét, nổi 20 giây, các kỹ năng khác đều thành thạo. Tham gia các lớp học này, học sinh sẽ được hướng dẫn 20 bài học cơ bản về các kỹ năng như bơi sống sót, sơ cấp cứu và kiến thức an toàn nước. Ngoài ra, các em còn được học cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm trong khi bơi… Kết thúc đợt học, các em học sinh sẽ được tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt được tiêu chuẩn do chương trình học đề ra”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vỹ Sách, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, cho biết do địa bàn giáp biển nên ngành được ưu tiên có hai bể bơi đặt tại Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và Trường Tiểu học Bế Văn Đàn. Qua 3 năm đã có hàng ngàn lượt học sinh được học và biết những kỹ năng bơi cơ bản nên không xảy ra trường hợp đuối nước đáng tiếc nào. Đây thực sự là một mô hình tiện lợi và hiệu quả cần được duy trì và nhân rộng.
Thiếu bể bơi trầm trọng
Toàn TP.Đà Nẵng chỉ có 14 bể bơi, trong đó có 10 bể đặt tại 10 trường học. Các bể bơi này do Tổ chức TASC hỗ trợ theo chương trình “Bơi an toàn”, mỗi bể bơi có diện tích 60m2 (hạn sử dụng 10 năm) được đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ đối với nhiều trường học.
Theo thống kê, hiện nay toàn TP.Đà Nẵng có 14 bể bơi, trong đó 10 bể đặt tại 10 trường học, 4 bể còn lại ở các trung tâm TDTT hoặc bãi biển. Các bể bơi này do Tổ chức TASC hỗ trợ theo chương trình “Bơi an toàn”. Mỗi năm, có khoảng 5.000 lượt học sinh tiểu học và THCS được dạy bơi. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số giáo viên, với số lượng bể bơi ít ỏi đó không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh. Chỉ tính riêng tại địa bàn hai quận có địa hình giáp biển nhiều nhất là Thanh Khê và Sơn Trà, năm học 2011 có gần 22.000 học sinh tiểu học có nhu cầu học bơi. Thiếu bể bơi là một thực tế không chỉ riêng tại quận Thanh Khê và Sơn Trà mà trên toàn địa bàn thành phố nói chung. Theo ông Vỹ Sách, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê, việc dạy bơi cho học sinh như một môn học chính khóa là nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng đuối nước đối với trẻ em. Trong đó, mô hình bể bơi lưu động đã cho thấy hiệu quả tích cực và cần được nhân rộng, tạo điều kiện cho trẻ em được học bơi một cách khoa học, bài bản. Tuy nhiên, mỗi bể bơi có diện tích 60m2 (hạn sử dụng 10 năm) có giá khoảng 200 triệu đồng, đây là một số tiền không nhỏ đối với nhiều trường học. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó cũng cần phải đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội để tổ chức dạy bơi cho các em học sinh, những trẻ nhỏ bước chân ra khỏi nhà đã gặp sông, thấy biển.
Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết ngành GD-ĐT xác định đưa môn bơi vào trường học là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, việc đưa môn bơi vào nhà trường như một môn học thể dục thường xuyên trong năm học đang gặp nhiều khó khăn, toàn thành phố mới có Trường Tiểu học Bế Văn Đàn áp dụng hình thức này. Nguyên nhân là do số lượng học sinh đông, trong khi số lượng bể bơi còn quá ít, để xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ môn bơi, ngân sách ngành giáo dục chưa kham nổi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Báo cáo tại Hội nghị Phòng chống đuối nước năm 2011 do Hiệp hội Cứu nạn Hoàng gia Úc, tổ chức Liên minh vì an toàn của Trẻ em (TASC) Hoa Kỳ, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức tháng 5-2011, cho thấy nạn đuối nước là một trong bốn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em tại nhiều quốc gia châu Á. Ước tính có 300.000 trẻ em bị chết đuối ở châu Á hàng năm. Nguyên nhân chính là do trẻ em chưa được trang bị kỹ năng cơ bản về phòng tránh đuối nước. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam đuối nước cao gấp 10 lần các nước đang phát triển. Riêng tại miền Trung, trong đó có TP. Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có 10 đến 15 trẻ (từ 7 đến 15 tuổi) tử vong vì đuối nước.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)