Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa môn bơi lội vào chương trình chính khóa: Bài cuối: Có xã hội hóa, hiệu quả nhanh hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đưa môn bơi lội vào trường học rất cần sự góp sức của toàn xã hội

Đó là ý kiến của nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – TS.Huỳnh Công Minh – Chủ tịch Liên đoàn Thể thao dưới nước thành phố khi trao đổi với Giáo Dục TP.HCM về những khó khăn mà ngành giáo dục thành phố đang gặp phải sau một năm triển khai đưa môn bơi lội vào giảng dạy ở trường phổ thông.

TS.Huỳnh Công Minh cho biết: Sau một năm thực hiện nghị quyết liên tịch giữa Sở GD-ĐT TP.HCM và Liên đoàn Thể thao dưới nước thành phố nhằm phổ cập bơi lội cho học sinh (HS), chúng tôi nhận được nhiều điều đáng mừng (Nghị quyết liên tịch giữa Sở GD-ĐT và Liên đoàn Thể thao dưới nước được ký khi TS. Huỳnh Công Minh còn đương chức Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – PV). Đó là nhận thức của nhà trường và phụ huynh về vấn đề phải tổ chức và tạo điều kiện cho các em HS được học bơi lội là vấn đề cấp thiết. Từ nhận thức ấy mà số lượng trường học tổ chức cho HS học bơi đã nhiều hơn. Hồ bơi được xây dựng, đội ngũ giáo viên (GV) dạy bơi được đào tạo không ít. Đối với những trường không có hồ bơi hay thiếu GV dạy bơi ban giám hiệu đã chủ động phối hợp với các trung tâm TDTT ưu tiên về cơ sở vật chất cũng như mời huấn luyện viên bơi lội về trường giảng dạy.
Mặt khác, đối với HS, các em cũng thích thú tự tin khi xuống nước, không e ngại, rụt rè như trước đây, do đó có nhiều trường tổ chức tốt đã dạy cho 100% HS biết bơi. Điều này được thể hiện qua số lượng các trường tham gia Festival bơi lội HS toàn thành phố: Năm 2010 có 57 trường phổ thông các cấp thuộc 17 đơn vị quận, huyện tham gia. Số lượng trường đã tăng so với những năm trước.
PV: Từ kết quả đạt được, ông thấy việc đưa môn bơi lội vào trường học còn gặp những khó khăn gì?
– Như chúng ta biết, hiện nay việc giảng dạy môn bơi lội còn nhiều khó khăn. Chủ trương đưa ra từ lâu nhưng chưa được khẳng định trong hệ thống chương trình giáo dục. Do đó về mặt kế hoạch, thời gian dạy bơi cho HS, nhân lực GV dạy bơi chưa được chuẩn bị, rồi kinh phí đầu tư xây dựng hồ bơi tại các trường cũng không nhiều. Mặt khác, tiêu chuẩn thiết kế trường học phục vụ cho bơi lội hầu như chưa có gì. Từ đó phải nói rằng phổ cập bơi cho HS toàn thành phố còn cần phải phấn đấu nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề GV sư phạm dạy bơi và tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học phải hội đủ điều kiện để phục vụ cho bộ môn.
Nếu cứ trông chờ các trường chủ động phối hợp với trung tâm TDTT quận, huyện hoặc tự bản thân nhà trường xây dựng hồ bơi thì liệu môn bơi lội có phổ cập được không?
– Tất nhiên khó khăn trước mắt khá nặng nề nhưng không phải chúng ta làm không được, vấn đề cốt lõi là nằm ở vai trò của người hiệu trưởng. Người hiệu trưởng phải là đầu tàu thực hiện chương trình này. Nếu người hiệu trưởng có quyết tâm cộng với sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh thì chúng ta có thể làm được. Vấn đề ở đây là thời gian. Chúng ta sẽ cố gắng làm sớm để kéo ngắn thời gian lại, bởi vì đây là vấn đề có ý nghĩa rất lớn vì mỗi HS biết bơi không những được trang bị kỹ năng, biết cách tự cứu đuối mà còn có sức khỏe tốt, thân hình đẹp, mạnh dạn, tự tin hơn.
Đối với HS tiểu học, việc học bơi là rất tốt. Tại sao ngành giáo dục không tập trung phổ cập bơi ở bậc tiểu học trước?
– Đưa môn bơi lội vào dạy ở bậc tiểu học là hết sức hợp lí vì lứa tuổi HS tiểu học tiếp cận với các kỹ năng bơi nhanh nhất. Khi được trang bị kỹ năng bơi ngay từ nhỏ thì sẽ giảm được tai nạn dưới nước một cách tối đa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa chúng ta không thể phổ cập ở các bậc học khác.
Vậy để môn bơi lội nhanh chóng được phổ cập, trong thời gian tới ngành giáo dục và Liên đoàn Thể thao dưới nước có những hành động gì, thưa ông?
– Để môn bơi lội có thể nhanh chóng phổ cập vào chương trình giáo dục, chúng tôi mong muốn toàn xã hội cùng tham gia. Tăng cường đào tạo GV sư phạm bơi lội và tập trung xây dựng cơ sở vật chất nhiều hơn nữa. Khi có sự xã hội hóa thì tiến độ sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn nhiều. Chẳng hạn, phổ cập môn bơi lội không chỉ nằm trong chủ trương đầu tư của Nhà nước mà các mạnh thường quân, ban đại diện cha mẹ HS cũng có thể tham gia, tăng cường nguồn lực đầu tư hồ bơi. Về lực lượng sư phạm: Những ai có điều kiện về bơi lội hãy dành thời gian giúp HS được tiếp cận với môn này hay Liên đoàn Thể thao dưới nước thường xuyên mở các lớp huấn luyện cho GV các trường chứ không trông chờ lực lượng GV từ trường sư phạm. Nói như thế, nếu chúng ta đầu tư một cách tích cực thì kết quả năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Trinh (thực hiện)

“Muốn đưa môn bơi lội nhanh chóng phổ cập vào chương trình giáo dục thì cần tăng cường đào tạo lực lượng GV bơi lội và tập trung xây dựng cơ sở vật chất nhiều hơn”, TS.Huỳnh Công Minh.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)