Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 năm 2024 do UBND TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức được đánh giá là sự kiện quan trọng. Qua đó giới thiệu các tác phẩm điện ảnh có chất lượng, giàu sáng tạo, khẳng định vị thế và uy tín của điện ảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) chia sẻ về Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 năm 2024
Chuẩn bị kỹ lưỡng
TP.HCM là nơi hội tụ văn hóa và cũng là trung tâm của hoạt động điện ảnh lớn nhất cả nước. Doanh thu ngành điện ảnh năm 2010 đạt 3.822 tỷ đồng, năm 2015 là 6.016 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.732 tỷ đồng. Đến nay, ngành điện ảnh đóng góp khoảng 0,35% cho GRDP của TP.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 diễn ra từ ngày 6 đến 13-4-2024 được tổ chức trong bối cảnh Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2023. Dù lần đầu tiên được tổ chức nhưng Liên hoan phim quốc tế TP.HCM có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để trở thành sự kiện văn hóa, điện ảnh xứng tầm và đạt mục tiêu đã đặt ra.
Thời gian qua, cả nước có nhiều liên hoan phim nhưng để có thể trụ lại từ 10 năm trở lên và có được dấu ấn quốc tế là điều vô cùng khó khăn. “Bước chuẩn bị của TP.HCM trong việc tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 là xây dựng được nghị quyết thông qua Hội đồng Nhân dân TP, tức đã có quá trình 2 năm chuẩn bị. Đồng thời, chúng tôi cũng học tập kinh nghiệm qua nhiều đơn vị tổ chức liên hoan phim quốc tế. Dù mới mẻ, non trẻ tuy nhiên bằng khát vọng, sự học hỏi kinh nghiệm và sự chuẩn bị, chúng tôi tự tin rằng việc chúng ta cố gắng xây dựng thương hiệu điện ảnh riêng bằng chính bản sắc văn hóa của TP.HCM cũng như với lực lượng làm phim chuyên nghiệp chắc chắn liên hoan phim lần này sẽ tạo dấu ấn riêng”, bà Thúy kỳ vọng.
Phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ tham gia Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 năm 2024
Ngày 19-9, Hôi đồng Nhân dân TP.HCM đã chính thức thông qua nghị quyết về các nội dung chi và mức chi cụ thể từ ngân sách Nhà nước cho 9 hoạt động văn hóa nghệ thuật của TP, trong đó có Liên hoan phim ngắn và Liên hoan phim quốc tế TP.HCM. Điều đó cho thấy bên cạnh sự nỗ lực thì kinh phí để phát triển hoạt động văn hóa cũng được xem là vấn đề cần được quan tâm.
Theo bà Thúy, đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035” trong đó lĩnh vực điện ảnh được xem là rất quan trọng và đang trong giai đoạn để phát triển. Song song đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng đã đăng ký với Trung ương đưa TP.HCM trở thành một TP điện ảnh, gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO. “Từ những điều đó, chúng tôi kỳ vọng nền điện ảnh TP chuyên nghiệp hơn, chất lượng cao hơn đồng thời là thước đo để nhìn nhận lại quá trình phát triển của ngành điện ảnh TP”, bà Thúy chia sẻ.
Cơ hội cho đội ngũ làm phim
Bà Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM) cho hay, ngành điện ảnh TP.HCM phát triển rất sớm từ những năm 20 tại TP.Sài Gòn (nay là TP.HCM), sau đó nền điện ảnh cách mạng Nam bộ hình thành từ 1997. Sau giải phóng, TP.HCM có đội ngũ làm phim hùng hậu và trở thành trung tâm điện ảnh sản xuất nhiều phim truyện, tài liệu, hoạt hình… TP.HCM cũng chính là nơi xuất phát phong trào làm phim xã hội hóa. Từ năm 1977, TP đã đăng cai tổ chức phim quốc gia, cho đến liên hoan phim Việt Nam.
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM tạo cơ hội cho diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm
Theo bà Cẩm Thúy, sự phát triển điện ảnh TP.HCM có tính phong trào vì TP là nơi xuất phát từ những phong trào quần chúng, xóa đói giảm nghèo, phong trào thanh niên tình nguyện… “Trước đây, TP chưa có kế hoạch, chiến lược phát triển điện ảnh mà chỉ làm phim mang tính phong trào. Đây là thời điểm chín muồi để TP phát triển điện ảnh đồng thời tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP.HCM”, bà Cẩm Thúy nhìn nhận.
UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức Liên hoan phim ngắn TP.HCM lần 1 năm 2023. Sự kiện diễn ra từ ngày 27 đến 30-10 đúng dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Điện ảnh Nam bộ, ngày Chánh ủy Khu 8 Nguyễn Văn Bình ký sắc lệnh thành lập Điện ảnh, Nhiếp ảnh Nam bộ và thành lập Hội Điện ảnh TP.HCM. Liên hoan được định hướng là một sự kiện điện ảnh chuyên nghiệp tổ chức thường kỳ 2 năm 1 lần, khuyến khích sự sáng tạo, phát huy tiềm lực trong làm phim ngắn, tôn vinh các tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, tính nhân văn, thể hiện tinh thần và phẩm chất con người Việt Nam. |
Về lực lượng sáng tác, bà Cẩm Thúy cho biết, TP.HCM là nơi hội tụ diễn viên ở khắp mọi nơi, từ nước ngoài cho đến tỉnh, thành bởi đây là mảnh đất màu mỡ để lực lượng sáng tác, biểu diễn phát huy tài năng. “Liên hoan phim chính là dịp để giới thiệu phim của chúng ta để mình biết được hay và chưa hay ở điểm nào. Bên cạnh đó, đạo diễn, diễn viên cũng có dịp tiếp xúc với khán giả – kênh phê bình phong phú mà những người sáng tác, biểu diễn, nhà làm phim có thể lắng nghe ý kiến của khán giả để sản xuất phim hay hơn”, bà Cẩm Thúy chia sẻ.
Đạo diễn, NSND Đào Bá Hà cho rằng, việc có một liên hoan phim quốc tế diễn ra tại TP.HCM là điều đáng mừng, giúp những nhà làm điện ảnh trong nước và thế giới có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi. Từ đó, nâng tầm những tác phẩm điện ảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, với một liên hoan phim quốc tế, tiêu chí sẽ khác rất nhiều so với một liên hoan phim quốc gia. Theo NSND Đào Bá Hà, quan trọng nhất của một cuộc thi quốc tế vẫn là tác phẩm dự thi. Những tác phẩm tên tuổi của nước nào mời được họ tham dự là cả một vấn đề, bởi những hãng phim lớn và tác phẩm lớn thường kén chọn liên hoan phim. Đây chính là thách thức lớn đối với ban tổ chức.
Kiều Khánh
Bình luận (0)