Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đưa nghề truyền thống lên màn ảnh rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đưa các nghề truyền thống lên màn ảnh rộng không chỉ tạo sự gần gũi, thu hút khán giả trong nước mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc khi tác phẩm điện ảnh xuất ngoại

Nghề truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều trong phim điện ảnh là tín hiệu vui, cần được ủng hộ, động viên. Tuy nhiên, việc lồng ghép này cũng đối mặt không ít thử thách, bởi nếu không cẩn trọng, tạo sự phù hợp với tổng thể câu chuyện, mang đến sức hút thì dễ dẫn đến tình trạng phản tác dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc khán giả.

Khai thác văn hóa truyền thống

Trên màn ảnh nhỏ, việc đưa các làng nghề truyền thống vào phim không phải là điều mới lạ. Khán giả đã thưởng thức rất nhiều phim truyền hình khai thác điều này, như "Lụa" của đạo diễn Trần Đức Long, "Màu cát" của NSƯT Nhâm Minh Hiền, "Miền đất phúc" của đạo diễn Đinh Đức Liêm…

Với phim màn ảnh rộng, những năm gần đây, việc khai thác văn hóa truyền thống đã được chú trọng. Bên cạnh việc lấy cảm hứng từ những chuyện kể dân gian, truyền thuyết linh dị, văn học…, phim điện ảnh lồng ghép nghề truyền thống vào bối cảnh, câu chuyện cũng ngày càng nhiều hơn.

Đưa nghề truyền thống lên màn ảnh rộng- Ảnh 1.

“Linh miêu” đưa nghề khảm sành sứ xứ Huế vào phim, dự kiến ra rạp từ tháng 11-2024

Điều này thể hiện rõ trong phim "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" và "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải. Trong "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" – ra rạp năm 2023, làng chiếu Định Yên tại Đồng Tháp được đưa vào bối cảnh, phục vụ câu chuyện phim. Để tái hiện không khí làng chiếu Định Yên giai đoạn hưng thịnh, đoàn phim đã xây dựng nhiều lò nhuộm lát và sân phơi lát, phơi chiếu cũng như phiên chợ chiếu quy mô lớn. Đến "Lật mặt 7: Một điều ước", Lý Hải xây dựng vườn hoa bất tử, đưa nghề trồng hoa vào phim.

"Ngay từ "Lật mặt 3" trở đi, tôi luôn muốn cài cắm nét văn hóa truyền thống vào phim của mình. Khán giả xem phim không chỉ để giải trí mà còn thưởng thức văn hóa, nét đẹp vùng miền, Tôi muốn truyền tải thông điệp về nét đẹp đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch. Với việc đưa nghề trồng hoa bất tử vào tác phẩm, kỳ vọng sau khi xem phim, khán giả sẽ nhớ về hoa bất tử, người trồng hoa sẽ trồng lại loài hoa này, gầy dựng lại một nghề đang mai một" – đạo diễn Lý Hải trải lòng.

Gần đây, dự án phim "Linh miêu" – do đạo diễn Lưu Thành Luân thực hiện, dự kiến ra rạp từ ngày 22-11 – cũng công bố đưa nghề khảm sành sứ xứ Huế vào tác phẩm. Trong phim, xưởng khảm sành sứ là nơi hành nghề chính của gia đình nhân vật Dương Phúc, cũng là nơi nảy sinh những yếu tố kỳ bí. Nghệ thuật khảm sành cũng là chất liệu văn hóa chủ đạo được ê-kíp phim tập trung khai thác.

Xuất xứ từ dân gian và đến thế kỷ XVII, khảm sành sứ trở thành nghệ thuật trang trí trong cung đình Huế. Với bàn tay của các nghệ nhân lành nghề, những mảnh vỡ sành sứ trở thành dấu son tráng lệ cho các công trình, thành hồn cốt cho vẻ trầm mặc của lăng tẩm, đền đài…

"Chúng tôi muốn mượn "Linh miêu" để phần nào gửi gắm sự phát triển và vẻ đẹp của văn hóa Huế, cụ thể là nghệ thuật khảm sành, giúp người xem có thể cảm nhận hành trình từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình đáng tự hào của người dân cố đô" – nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc bày tỏ.

Dễ mà không dễ

Theo các nhà chuyên môn, việc khai thác, đưa ngành nghề nào đó lên phim không hề dễ dàng, với nghề truyền thống lại càng khó hơn. Bởi lẽ, biên kịch, đạo diễn, diễn viên… phải có sự am hiểu nhất định về nghề đó, để lúc kể chuyện bằng hình ảnh không bị rơi vào cảnh thiếu chuyên nghiệp, khiến khán giả không tin vào nhân vật, dẫn đến giảm sức hút.

Để có được sự lồng ghép khéo léo, hài hòa, nhà biên kịch phải có trải nghiệm thực tế, không thể chỉ tưởng tượng hoặc tham khảo các tài liệu, lý thuyết đơn giản.

Đưa nghề truyền thống lên màn ảnh rộng- Ảnh 3.

Trang phục của diễn viên Hồng Đào và Thùy Tiên trong phim “Linh miêu”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Đạo diễn Lý Hải tiết lộ khi viết kịch bản, ban đầu anh sẽ tưởng tượng về nghề muốn kể. Sau đó, anh thâm nhập thực tế, phim về nghề nào thì xâm nhập nghề đó. Chẳng hạn, với phim có nghề xây nhà, anh tìm gặp nhiều thầu xây dựng, hỏi những tình huống có thể gặp phải trong công việc. Anh đã đến nhiều công trường, quan sát công nhân thực hiện các công đoạn để biết có gì khác so với tưởng tượng của mình không và bổ sung. Đôi khi với kịch bản trên giấy, sự tưởng tượng ban đầu là vậy nhưng ra hiện trường, tiếp xúc thực tế thì rất khác biệt.

"Lúc đầu, tôi không nghĩ việc chọn chủ đề nghề trồng hoa bất tử lại khó đến vậy. Tôi lên Lâm Đồng, tìm hoa bất tử không ra vì ngày nay rất hiếm người trồng. Đến khi tìm được, mang về trồng trong trường quay thì cây chết do mình không rành cách chăm sóc. Lúc đó, tôi rất hoang mang nhưng cố gắng tìm thông tin khắp nơi. Cũng may, sau 3 tháng "ăn ngủ" cùng với hoa bất tử, chúng tôi đã thành công. Chúng tôi đã có được cánh đồng hoa bất tử, tính toán được thời gian hoa nở đẹp để ghi hình" – đạo diễn Lý Hải kể lại.

Theo nhà biên kịch Đông Hoa, các yếu tố văn hóa bản địa, nghề truyền thống khi truyền tải thông điệp rõ ràng thì sẽ chinh phục được khán giả. "Ngược lại, nếu không tạo được sự hợp lý thì sẽ khó thuyết phục người xem, thậm chí còn gây mất niềm tin của khán giả vào điện ảnh Việt" – bà nhìn nhận. 

Những người trong cuộc cho rằng nghề truyền thống được đưa lên màn ảnh rộng sẽ góp phần quảng bá vẻ đẹp văn hóa Việt, song cần cân nhắc, tránh chạy theo xu hướng – kiểu "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào".

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

 

Bình luận (0)