Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống: Thỏa giấc mơ an cư

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nhà ở giá rẻ giúp người lao động an cư lạc nghiệp, từ đó đóng góp và cống hiến nhiều hơn để TP HCM phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…
Thực hiện giấc mơ an cư cho công nhân, người lao động luôn là ưu tiên của lãnh đạo TP HCM. Trải qua đại dịch Covid-19, thành phố càng quyết tâm phát triển nhà ở giá rẻ để giúp họ có chỗ ở ổn định, nâng cao chất lượng sống.
Chú trọng chỗ ở cho người lao động 
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng. Vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú công nhân, cải tạo chung cư cũ được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM đón rất nhiều lao động từ các địa phương nhưng việc chăm lo cho lực lượng có đóng góp quan trọng tới sự phát triển kinh tế – xã hội này chưa được đầu tư thực sự đúng mức. Thành phố còn nhiều khu nhà trọ diện tích chật hẹp ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người lao động.
Để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, TP HCM đã nhận thấy điều này và bắt tay vào xây nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Cùng với đó, thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ hiện nay.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG (*): Thỏa giấc mơ an cư - Ảnh 1.
Tại nhà lưu trú Công ty TNHH Đức Bổn – KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), mỗi tầng đều có khu giặt đồ với máy giặt hiện đại, giúp công nhân tiết kiệm thời gian và sức lực.

Ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 có 1 triệu căn hộ giá rẻ. Vì vậy, cần xây dựng khung chính sách, lộ trình thực hiện để đến năm 2025 phải đạt được một nửa số lượng. "Phát triển nhà ở là nội dung rất quan trọng về kinh tế – xã hội, là thành phần quan trọng trong chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố. Do đó, chúng ta cần thống nhất với quyết tâm cao, tinh thần khẩn trương để hoàn thiện chính sách và đẩy nhanh tiến độ các công việc" – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Để người dân sớm thỏa giấc mơ an cư, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay sẽ 2 tuần họp một lần nhằm lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc với mục đích trong năm 2022 có nhiều dự án xây mới chung cư cũ, NƠXH được triển khai. "Những việc khó, "xương xẩu" thì phải tập trung giải quyết. Tôi sẽ làm tổ trưởng để triển khai các đầu việc mà Sở Xây dựng đề xuất" – ông Phan Văn Mãi nêu rõ.
Liên quan chuyện an cư cho người dân, Thường trực HĐND TP HCM cũng vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, người lao động năm 2022 với chủ đề "Chính sách an sinh xã hội – nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động". Hội nghị này là dịp để người người lao động trải lòng.
Tại hội nghị, chị Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ – Công an TP HCM, cho rằng nhu cầu NƠXH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người làm công hưởng lương… là rất lớn. Chị Lan Anh bày tỏ vui mừng khi hay tin UBND TP HCM ban hành quyết định phê duyệt đề án Xây dựng chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030. "Tôi cũng như nhiều người lao động khác rất muốn tiếp cận, đăng ký mua nhà theo đề án trên…" – chị Lan Anh thổ lộ.
Trong khi đó, là lao động nhập cư, chị Nguyễn Thị Thu Phương (thuộc Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ quận 7) kể hiện nay, chị là tài xế xe ôm công nghệ, có 1 con trai học tiểu học và đang ở nhà trọ. Với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, chị chỉ đủ sức thuê 1 phòng nhỏ giá 1,5 triệu đồng/tháng, số còn lại phải tiết kiệm mới đủ cho cuộc sống của 2 mẹ con nên rất khó dùng tiền dư ít ỏi để mua nhà.
Tại hội nghị, ý kiến mong muốn TP HCM quan tâm đến các chính sách hỗ trợ lao động nhập cư, nhất là chính sách nhà ở đã được lãnh đạo thành phố ghi nhận. Đặc biệt, đề xuất được đánh giá khá cao là mỗi quận – huyện cần xây dựng các chung cư với các loại căn hộ có diện tích phù hợp cho gia đình có 4 người, 3 người, 2 người…, giá cả phù hợp thu nhập trung bình của công nhân, người lao động rồi bán trả góp hoặc cho thuê giá rẻ.
Nhiều giải pháp gỡ nút thắt
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho biết theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến có thêm 484.000 căn, tương ứng 50 triệu m2 sàn. Trong đó, NƠXH, nhà cho công nhân thuê có 2,5 triệu m2, tương ứng hơn 35.000 căn hộ.
Năm 2022, Sở Xây dựng tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư của 18 dự án, bao gồm 10 dự án NƠXH và 2 nhà lưu trú công nhân. Dự án khu lưu trú công nhân tại Khu Chế xuất Linh Trung vừa khởi công cũng nằm trong danh sách này.
Để đạt mục tiêu phát triển nhà ở, theo ông Trần Hoàng Quân, Sở Xây dựng sẽ làm việc với đơn vị tư vấn về việc nghiên cứu xây dựng đề án, cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ người lao động, người thu nhập thấp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tham mưu UBND TP HCM định hướng những đầu việc thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể hơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định rõ các chỉ tiêu phát triển NƠXH, tập trung chủ yếu ở các quận 7, 2, Bình Tân và TP Thủ Đức.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, hiện nay tồn tại nghịch lý là NƠXH nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự nhà ở thương mại. Các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp dẫn đến việc không thu hút nhà đầu tư. Nguồn vốn vay hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện những dự án NƠXH này cũng chưa triển khai được.
Sở Xây dựng đang trình UBND TP HCM quy trình rút gọn nhằm đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục các dự án NƠXH xuống dưới 6 tháng (quy trình bình thường thì trên 1 năm). Cùng với đó, sở sẽ rà soát những quỹ đất cho dự án NƠXH, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì đề nghị TP HCM thu hồi phần đất xây dựng NƠXH để giao lại cho nhà đầu tư khác thực hiện nếu đủ điều kiện.
Thống kê của Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP HCM (HEPZA) cho thấy 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động đã có 16 dự án nhà ở, nhà lưu trú công nhân với quy mô 21.000 chỗ ở nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay, 70% công nhân từ các tỉnh, thành khác tới TP HCM làm việc có nhu cầu về nhà ở. Do vậy, nhiều người vui mừng và kỳ vọng các động thái liên tiếp của thành phố gần đây sẽ hướng tới việc hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp của họ. 
Khắc phục hạn chế để đột phá
Trong 10 năm 2009-2019, dân số toàn TP HCM tăng 1.845.261 người, diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 16,6 m2/người năm 2009 lên 20,1 m2/người năm 2019. Việc phát triển nhà ở của thành phố trong thời gian này về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng kể, từng bước đáp ứng được nhu cầu theo sự gia tăng dân số. Chất lượng nhà ở được cải thiện và nâng cao mạnh mẽ.
Để đáp ứng nhu cầu của đô thị lớn trong 10 năm tới (giai đoạn 2021-2030), đặc biệt là sự gia tăng dân số khoảng 2 triệu người và khắc phục những hạn chế trong phát triển nhà ở thời gian trước, UBND TP HCM đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030". Đây là nội dung nằm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
QUỐC ANH (theo NLĐ)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)