Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đưa nguyện vọng ngành yêu thích lên đầu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM).

Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn. Ảnh: T.Tri

Từ những câu hỏi, thắc mắc của học sinh cho thấy việc chọn ngành, chọn trường được các em cân nhắc kỹ lưỡng, từ sức học, điều kiện kinh tế, việc làm, thu nhập và đặc biệt là cơ hội học liên thông cũng như chuyển tiếp các trường quốc tế. Tại chương trình, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) đã cung cấp những thông tin bổ ích về cơ cấu ngành nghề, thị trường lao động trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để học sinh tham khảo và đi đến quyết định chọn ngành học, tìm cơ hội cho bản thân.

Sau khi nắm thông tin cơ bản về một số ngành nghề, Thùy Trang (lớp 12C5) cho biết em quan tâm đến ngành quản trị nhân lực, tuy nhiên vẫn còn băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành này trong tương lai? ThS. Dương Duy Khải (Phó phòng Thanh tra giáo dục, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) giải đáp: “Cứ khoảng 100 lao động trong công ty, xí nghiệp… thì cần một nhân viên nhân sự. Thực tế hiện nay nguồn cung nhân viên nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng lẫn chuyên môn, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân sự có chất lượng cũng như nhà quản lý nhân sự giỏi và chuyên nghiệp. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, các trường đặt mục tiêu đào tạo ngành này nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu đổi mới trong xu thế hội nhập”. Ông Khải cho biết thêm, tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở các bộ phận, lĩnh vực có liên quan như: Chuyên viên tuyển dụng; chuyên viên chính sách đãi ngộ, tư vấn nhân sự, tư vấn các khóa học nhân sự; hành chính nhân sự; chuyên viên truyền thông hay xử lý quan hệ nội bộ… Trong khi đó, Phương Linh (lớp 12C5) cho hay em còn phân vân về cách thức đăng ký nguyện vọng ở các trường sao cho an toàn, không bị thiệt thòi. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Công Kỳ (Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) thông tin: “Theo quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT, các trường xét nguyện vọng công bằng như nhau. Nếu một ngành (của một trường nào đó) lấy 300 chỉ tiêu, khi xét từ trên xuống hết chỉ tiêu nhưng có 10 thí sinh cùng số điểm thì sẽ lấy điểm tiếng Anh để xét tiếp. Sau khi xét, nếu 5 thí sinh có số điểm bằng nhau nữa, trong khi chỉ lấy hai chỉ tiêu thì tùy vào tiêu chí phụ của từng trường, có thể xét đến thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Do vậy, khi đăng ký nguyện vọng các em phải đưa ngành mình yêu thích lên thứ tự ưu tiêu cao nhất”.

Nhiều học sinh cũng lo lắng thực trạng sinh viên ngành tài chính ngân hàng học xong khó tìm việc làm khi ra trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhật (đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM): Kết quả khảo sát năm 2016, khoảng 90% sinh viên của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó phần lớn sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo. “Các em cũng đừng quá lo lắng bởi ngoài kiến thức chuyên môn đã học sau 4 năm, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng là một chìa khóa giúp các em có cơ hội tìm được một công việc đúng chuyên môn. Ngoài làm việc tại ngân hàng, các em có thể công tác tại công ty cho thuê tài chính, bảo hiểm hoặc giảng dạy, đào tạo trong lĩnh vực ngân hàng. Trước yêu cầu đổi mới, trường phối hợp với các trường ĐH quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động khu vực và quốc tế”, ông Nhật thông tin thêm.

Khối ngành kỹ thuật cũng được nhiều học sinh quan tâm, đặc biệt là ngành cơ khí của một số trường ĐH tại Nhật Bản. Giải tỏa lo lắng về điều kiện sinh hoạt, học tập cũng như làm thêm tại Nhật, đại diện Trường Nhật ngữ và Du học Redbook cho biết học phí của một số trường tại Nhật Bản chỉ từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng/năm và có thể đóng thành hai đợt. Các trường tại Nhật Bản cũng có tuyển sinh trình độ từ TC trở lên ở các ngành CNTT, du lịch, điều dưỡng, quản trị kinh doanh, hàng không, ô tô, khách sạn… Trước khi đi học, sinh viên có thời gian học tiếng Nhật theo quy định. Đặc biệt, các trường hỗ trợ, giới thiệu việc làm với thu nhập từ 18-24 triệu đồng/ tháng (28 tiếng/tuần), lương chính thức sau khi tốt nghiệp từ 40-60 triệu đồng/tháng.

Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)