Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đua nhau nuôi… gián đất xuất sang Trung Quốc: Coi chừng dính bẫy

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nông dân đã dính khá nhiều vố đau trong thời gian qua, như đua nhau nuôi đỉa, nhổ thảo quả non, rồi khai thác lá vải thiều non, trồng khoai lang, thu mua ốc bươu vàng… để bán cho các thương lái ngoại xuất đi Trung Quốc. Sau mỗi vụ việc như thế, cơ quan chức năng lại đau đầu cảnh báo. Vậy mà mới đây lại rộ lên chuyện nhập khẩu gián đất từ nước ngoài về nuôi để bán cho thương lái Trung Quốc.

Nuôi gián lậu

Trên một website về côn trùng hiện vẫn đang rao bán giống gián đất với nhiều lời giới thiệu về công dụng của nó. Theo trang web này, gián đất được người Trung Quốc sử dụng làm thuốc từ khá lâu, gián đất còn được biết đến như một phương thuốc giúp làm đẹp. Cũng theo lời quảng cáo vớ vẩn này, sau khi nông dân nhập giống từ đây về nuôi sẽ được bao tiêu hoàn toàn sản phẩm đầu ra… Gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên, ở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, Bắc Ninh là một trong những hộ đã thử nuôi giống gián đất này. Ông Nguyên cho biết: “Sau khi được người bạn đi Đài Loan về giới thiệu về mô hình nuôi gián đất đang rất thịnh ở Trung Quốc, gia đình tôi đã lặn lội sang bên đó tiền trạm và quyết định lấy xưởng cơ khí để làm nơi nuôi loài con trùng này. Đến tháng 8-2013, gia đình tôi dành gần 200m2 đất để nuôi hơn 1 tạ trứng giống – tương ứng với cả triệu con, hiện nay chúng đã nở thành con và đang trong giai đoạn phát triển”.

Thậm chí, “ổ gián” của ông Nguyên còn được một người Trung Quốc gốc Việt là Giang Triệu Vinh sang tận nơi tư vấn cách chăm nuôi. Và cũng theo lời giới thiệu của ông Vinh thì sau khi gián trưởng thành, đem sấy khô rồi xuất bán sang Trung Quốc để làm dược liệu.

Điều đáng nói là cho đến nay, chưa hề có cơ quan chức năng nào cho phép nhập gián đất vào nội địa. Do đó, nó là giống đang nuôi lậu! Điều khó hiểu là trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh còn có cả công văn gửi Bộ NN-PTNT đề nghị cho phép nuôi gián đất.

Hình ảnh trong cơ sở nuôi gián đất của ông Nguyễn Đình Nguyên, ở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, Bắc Ninh.

Bài học chưa thuộc

Tại văn bản trả lời Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh mới đây nhất, Bộ NN-PTNT khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ tài liệu khoa học chính thức nào tại Việt Nam chứng minh công dụng chữa bệnh của gián đất. Vào tháng 8-2013, một trang trại nuôi gián đất trên địa bàn thị xã Đại Phong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã bị sổng chuồng gần 1 triệu con ra bên ngoài. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc phải cử 5 nhà điều tra tới khu vực để lên kế hoạch tiêu diệt số gián thoát ra này.

Từ thực tế lo ngại ở ngay bên Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bày tỏ, gián đất là loại côn trùng sống ở môi trường tự nhiên rất tốt, khả năng sinh sản nhanh, là loại côn trùng có hại, nguy cơ gây hại tới môi trường rất cao, cần phải tiêu hủy. Do đó, ông Trọng nhấn mạnh việc tự ý nuôi gián đất là đã vi phạm pháp luật, nếu không xử lý nghiêm, tới đây lại có thêm một số sinh vật gây hại khác nhập vào Việt Nam, gây hại cho môi trường. Trước đây, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm đối với trường hợp ốc bươu vàng, và mới nhất là câu chuyện về con chồn nhung đen… khi chưa được kiểm nghiệm mà nhập vào nuôi là rất nguy hiểm.

Gián là một loại côn trùng trung gian có thể gây bệnh đường ruột và gặm nhấm các đồ dùng hàng ngày… không phải là đối tượng vật nuôi và cũng chẳng có lợi ích gì cả. Nếu không kiểm soát, nó sẽ bung ra môi trường và thành dịch rất nguy hiểm.

PHÚC HẬU (SGGP)

Bình luận (0)