Hội nhậpThế giới 24h

Đua nhau thuê tàu ngầm hạt nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Ấn Độ, đến lượt Úc cũng dự định thuê tàu ngầm hạt nhân tối tân của nước ngoài để tăng cường thực lực hải quân.

Năm 2009, chính phủ Úc cam kết thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins, sử dụng động cơ điện – diesel, của nước này bằng 12 chiếc thế hệ mới nội địa, thuộc chương trình Tàu ngầm tương lai có tổng trị giá 41,5 tỉ USD. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết trên chẳng dễ dàng chút nào.

Khó khăn

Theo báo The Diplomat, để đáp ứng chiến lược quốc phòng lâu dài, Úc lại cần đến loại tàu ngầm có tầm hoạt động xa, năng lực tác chiến mạnh mẽ, bền bỉ. Đây là những đặc điểm mà chỉ có thể tìm thấy ở tàu ngầm hạt nhân. Thế nhưng, chi phí để sở hữu tàu ngầm hạt nhân rất đắt, lên đến hàng tỉ USD. Vì vậy, hiện tại chỉ 6 nước trên thế giới sở hữu tàu ngầm loại này trong khi hơn 10 quốc gia đang có tàu sân bay. Sáu nước trên là: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Mặt khác, thực lực quốc phòng còn những giới hạn nhất định nên Canberra chưa đủ sức tự mình phát triển tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân.

Tàu ngầm HMAS Farncomb của Hải quân Úc – Ảnh: ABC News

Từ những thực tế trên, Canberra dự định tái thiết kế để nâng cấp lớp tàu Collins. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, kế hoạch này ẩn chứa nhiều rủi ro khi tàu ngầm Collins lại đắt đỏ mà thiếu hiệu quả. Ước tính, chi phí bảo dưỡng và vận hành các tàu lớp Collins có thể vượt quá 1 tỉ USD/năm vào năm 2021. Chưa dừng lại ở đó, chất lượng của loại chiến hạm này không đáng tin cậy. Tính từ năm 2009-2011, luôn có ít nhất 3 tàu ngầm lớp Collins phải “đắp chiếu” sửa lỗi kỹ thuật hoặc bảo dưỡng. Lâu nay, số tàu này cũng liên tục hỏng hóc. Theo báo The Sydney Morning Herald, tàu ngầm Úc HMAS Farncomb thuộc lớp Collins từng bị hỏng cả động cơ đẩy lẫn thiết bị dự phòng khi đang lặn sâu ở ngoài khơi bờ biển bang Tây Úc hồi tháng 8.2012. Ngoài ra, một chiếc tàu khác cùng lớp từng xảy ra tình trạng gia tăng khí độc đến mức báo động khi đang hoạt động tại biển Đông. Hồi tháng 5.2011, tàu HMAS Dechaineux, cũng thuộc lớp Collins, phải quay lại Singapore để sửa chữa sau khi bị hỏng trong lúc đang tập huấn trên biển Đông. Đặc biệt, chính chiếc tàu này từng suýt gây ra một thảm họa tồi tệ vào năm 2003.

Giải pháp thay thế

Vì những lý do trên, giới chuyên gia nhận định rằng thuê tàu ngầm hạt nhân của nước ngoài là một giải pháp khả thi đối với Canberra. Đây là giải pháp mà Ấn Độ đã chọn lựa để đáp ứng nhu cầu tăng cường sức mạnh hải quân trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn. Theo BBC, Ấn Độ hồi tháng 1.2012 tiếp nhận một tàu ngầm hạt nhân từ Nga theo hợp đồng thuê trị giá gần 1 tỉ USD và có thời hạn 10 năm. Chiếc tàu ngầm này thuộc lớp Akula II được Ấn Độ đổi tên thành INS Chakra II. Sau đó, đến tháng 4.2012, báo The Times of India hồi tháng 4.2012 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony tiết lộ hiện New Delhi đang đàm phán với Moscow để thuê thêm một tàu ngầm lớp Akula II.

Theo báo The Diplomat, việc thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ là một giải pháp phù hợp dành cho Úc. Nhất là khi nhiều chiếc tàu ngầm loại này hoạt động ổn định tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian qua. Tàu ngầm hạt nhân Mỹ cũng nổi tiếng về độ an toàn, từng di chuyển 240 triệu km mà chưa gặp sự cố nào. Đồng thời, tàu ngầm Virginia sở hữu tổ hợp vũ khí phong phú cho phép tác chiến đa nhiệm mạnh mẽ nên đủ sức giúp Úc tăng cường thực lực hải quân. Một ưu điểm quan trọng khác là chi phí thuê loại tàu này khá hợp lý. Theo đó, giải pháp này giúp Úc giảm được 10 tỉ USD chi phí so với chương trình Tàu ngầm tương lai đóng mới 12 tàu thay thế 6 tàu Collins. Đồng thời, Canberra còn tiết kiệm thêm khoảng 750 triệu USD chi phí vận hành hằng năm. Như vậy, việc thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia là một trong những chọn lựa tối ưu đối với Úc trong tình hình hiện tại.

Trùng Quang (TNO)

Bình luận (0)