Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục và đào tạo ,trong đó có bậc THPT từ năm học 2010-2011.
Nội dung này đã nhận được ý kiến đồng tình của cán bộ quản lý, thầy cô giáo bậc THPT. Tuy nhiên cũng có không ít băn khoăn, lo lắng về tính khả thi, hiệu quả của nó.
“Bội thực” chương trình lồng ghép
So với chương trình cải cách trước đây, chương trình phân ban ở bậc THPT hiện nay, thì về cơ cấu số tiết, nội dung bài học ở từng môn có phần hợp lý và gọn gàng hơn. Nhưng số lượng các môn học, các hoạt động bắt buộc lại tăng lên, thêm vào: môn tin học, giáo dục quốc phòng và an ninh, hướng nghiệp dạy nghề và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nếu như trước đây, mỗi khối chỉ học một buổi sáng hoặc chiều là đủ thì bây giờ, ngoài học một buổi, mỗi tuần các em phải học thêm từ 1 đến 2 buổi nữa. Ngoài áp lực quá tải về chương trình, học sinh còn chịu thêm những sức ép, đòi hỏi khác của nhà trường, của mỗi thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn. Như vậy, học sinh đang phải chịu đến mấy tầng bị dồn ép, nhồi nhét về mặt học tập. Nay lại thêm một bộ môn Phòng chống tham nhũng (PCTN) vào nữa thì vô hình trung chúng ta “hành xác” con em đến mức quá đáng. Do đó, theo các chuyên gia soạn thảo đề án có ý đưa nó dạy theo kiểu lồng ghép, tích hợp vào môn giáo dục công dân hoặc các môn học xã hội khác phù hợp với điều kiện giảng dạy của từng môn và không tạo thành các môn học riêng.
Ý này cũng đồng với quan điểm của nhiều cán bộ quản lý và thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy mà chúng tôi có dịp trao đổi, chia sẻ. Thầy Trần Thanh Hậu, giáo viên Sử- giáo dục công dân, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết: Nội dung PCTN nên đưa toàn bộ vào bộ môn GDCD là hợp lý, đừng nên dây qua các các môn xã hội khác. Nhưng tôi e rằng đưa nó vào môn này thì có phần lõang, vì hiện tại, bộ môn GDCD là một bộ môn có số lượng nội dung, vấn đề dạy lồng ghép, dạy tích hợp vào loại nhiều nhất, nào là bảo vệ môi trường, nào là an toàn giao thông, nào là giáo dục giới tính, nào là sức khỏe sinh sản vị thanh niên…Vả lại ,qua thực tế giảng dạy nhiều năm, chúng tôi nhận thấy, đưa những vấn đề, nội dung dạy lồng ghép, dạy tích hợp vào bộ môn GDCD thường chưa đạt yêu cầu, còn mang nặng tính hình thức. Bởi lẽ, bản thân nội dung, kiến thức ở bài đó, bài kia trong sách giáo khoa, sách giáo viên, thầy cô giáo chưa truyền tải hết được ( do quá dài) thì lấy đâu thời giờ để lồng ghép, tích hợp nội dung đã vào. Lần nào tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề cũng yêu cầu giáo viên phải dạy lồng ghép nhưng thầy cô giáo không dạy thì đành chịu thôi, do chẳng có qui định ràng buộc nào cả, trừ khi có người dự giờ, có thái độ đánh giá nghiêm túc”.
Bỏ một số bài, đưa nội dung PCTN vào
Không chỉ riêng gì môn GDCD, các nội dung, vấn đề dạy lồng ghép, tích hợp đối với môn Ngữ văn ( về bảo vệ môi trường), môn sinh học ( về giới tính, sức khỏe sinh sản), môn lịch sử ( về lịch sử địa phương)… cũng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Xuất phát từ thực tế đấy, nội dung PCTN đưa vào dạy kiểu lồng ghép, tích hợp là không ổn, cần tách ra thành những bài riêng biệt, để dạy những kiến thức căn bản, tập trung hơn, thầy cô giáo khó thể phớt lờ hoặc bỏ qua được. Tất nhiên, cắt giảm bớt một số bài thuộc về chương trình GDCD ở ba khối. Nhiều giáo viên giảng dạy môn GDCD đề xuất: “Các em lớp 10, còn nhỏ quá, chưa cần đưa PCTN vào, nên bắt đầu từ học sinh lớp 11 là thích hợp với nội dung bài và tâm lý lứa tuổi. GDCD lớp 11, dạy về công dân với kinh tế, với các vấn đề chính trị- xã hội, thì bỏ đi bài Chính sách quốc phòng và an ninh, trang 110 ( vì nội dung này được học kĩ ở bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh rồi) , GDCD lớp 12 dạy học các vấn đề công dân liên quan đến pháp luật, các bài 1, bài 2, bài 3 có một số nội dung na ná giống nhau nên gom lại để nhường “đất” cho nội dung PCTN. Mỗi khối một bài, mỗi bài từ 2 đến 3 tiết là quá đủ”.
Có chế độ bồi dưỡng
Bình luận (0)